Ngày 9/4, Italy đã thông báo chấm dứt các biện pháp phong tỏa từ tuần tới tại tâm dịch Lombardy và một số vùng khác có số ca nhiễm giảm.
Bộ Y tế cho biết các biện pháp hạn chế cấp cao nhất "màu đỏ" sẽ được nới lỏng từ ngày 12/4 tại Tuscany, Piedmont, Emilia Romagna, Friuli Venezia Giulia và Calabria. Các vùng này sẽ được chuyển sang "màu cam," với việc các cửa hàng được mở lại dù các quán rượu và nhà hàng chỉ được phục vụ giao hàng đi.
Từ đầu tuần tới, các biện pháp cấp màu đỏ sẽ chỉ còn áp dụng tại Val d'Aosta (Tây Bắc), Campania và Puglia ở miền Nam, và Sardinia - nơi vừa được đưa vào danh sách này ngày 9/4.
Italy là một trong những nước bị ảnh hưởng của dịch nặng nề nhất châu Âu, với hơn 113.500 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm hơn 11% trong tuần kế thúc ngày 6/4, song số ca phải điều trị tích cực vẫn rất nhiều. Italy vẫn đang xúc tiến chương trình tiêm vaccine và đến nay đã tiêm 12,3 triệu liều cho 3,8 triệu người (hơn 6% dân số).
[Dịch COVID-19 tại châu Âu: Italy kéo dài biện pháp hạn chế]
Slovenia ngày 10/4 thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và ngừng áp dụng giới nghiêm từ ngày 12/4 tới. Chính phủ cho biết lệnh phong tỏa một phần kéo dài 11 ngày qua trong dịp lễ Phục Sinh đã giúp giảm số ca nhiễm.
Theo quy định mới, từ đầu tuần tới, trường tiểu học và trung học sẽ nối lại các buổi học trực tiếp, trong khi các cửa hiệu và cửa hàng dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được mở lại. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc trong không gian kín hoặc ở nơi có đông người.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Janez Poklukar nhận định "lệnh phong tỏa là cần thiết và đã thành công."
Trước đó, Slovenia đã áp đặt phong tỏa một phần từ ngày 1/4 và theo Bộ trưởng Poklukar, lệnh này đã giúp tránh phải nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất, mức màu đen.
Tuy nhiên, ông Poklukar cũng cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ ba, với sự tác động của biến thể virus phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm cao, vẫn chưa đạt đỉnh. Vì vậy, các cửa hiệu và nhà hàng quy mô lớn vẫn phải đóng cửa và người dẫn vẫn sẽ không được di chuyển quá xa nhà mình.
Theo nhà chức trách Slovenia, đến ngày 9/4, khoảng 300.000 người (tức 15% dân số) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Đến nay, Slovenia ghi nhận 4.100 ca tử vong, khiến nước này là một trong những nước bị tác động mạnh nhất trong Liên minh châu Âu (EU) nếu tính theo đầu người./.