Đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trong năm 2020 giảm mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới giảm tới hơn hai năm.
Đây là kết luận được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) công bố trên tạp chí chuyên ngành International Journal of Epidemiology, số ra ngày 27/9.
Theo nghiên cứu trên, tuổi thọ trung bình của người dân tại 22/29 quốc gia khảo sát trong năm 2020 giảm hơn 6 tháng so với năm 2019. Nhìn chung, tuổi thọ trung bình của người dân tại 27 nước trong tổng số 29 nước, trong đó có những nước châu Âu, Mỹ và Chile, ghi nhận mức giảm.
[Dịch COVID-19: Nghiên cứu mới về tình trạng “COVID kéo dài” ở Anh]
Nghiên cứu nêu rõ việc tuổi thọ trung bình giảm có thể liên quan đến các ca tử vong do COVID-19. Kể từ khi bùng phát, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người trên thế giới.
Tiến sỹ Ridhi Kashyap, đồng chủ trì nghiên cứu, khẳng định kết quả nghiên cứu đã làm nổi bật mức độ ảnh hưởng của COVID-19 tại nhiều quốc gia.
Ở hầu hết các nước khảo sát, tuổi thọ trung bình của nam giới giảm mạnh hơn so với nữ giới, trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới tại Mỹ trong năm 2020 giảm 2,2 năm so với năm 2019 .
Tuổi thọ trung bình của nam giới tại 15 nước giảm hơn 1 năm, trong khi chỉ có phụ nữ tại 11 nước ghi nhận mức giảm này. Điều này cũng đã đảo ngược những tiến bộ về việc giảm tỷ lệ tử vong đạt được trong 5-6 năm trước.
Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong chủ yếu tăng ở những người trong độ tuổi lao động và dưới 60 tuổi. Trong khi đó, tại châu Âu, tỷ lệ tử vong tăng cao chủ yếu là ở nhóm người trên 60 tuổi.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford kêu gọi thêm các nước, trong đó có các nước có thu nhập thấp và trung bình, cung cấp dữ liệu tử vong để có thể nghiên cứu sâu hơn về tác động của COVID-19 trên phạm vi toàn cầu./.