COVID-19: Nga, Anh đứng ngoài 'cuộc đua tái phong tỏa' của châu Âu

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đức, Pháp, Ba Lan đã siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch trong khi Nga không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Khách du lịch tham quan cung điện Kremlin ở thành phố Moskva. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Ngày 29/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc dù nước này cùng ngày ghi nhận số ca mắc và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay.

Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà đầu tư, Tổng thống Putin cho biết chưa có kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế quy mô, như một lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Nga đã thông báo gói cứu trợ trị giá 11 tỷ ruble (khoảng 138,6 triệu USD) cho  khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

[Nhiều nước có tổng số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu người]

Nga ngày 29/10 đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 17.717 ca nhiễm và 366 ca tử vong.

Hiện Nga là nước có số ca mắc COVID-19 thứ 4 trên thế giới với 1.581.693 ca, trong đó có 27.301 ca tử vong.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhiều thông tin giả gây nhiễu loạn và ảnh hưởng tới việc đối phó dịch bệnh, Bộ Y tế Nga đã yêu cầu người đứng đầu các tổ chức trực thuộc và các chuyên gia phối hợp với bộ trong bất kỳ bình luận và tuyên bố công khai nào liên quan đến dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Văn phòng báo chí của Bộ Y tế Nga giải thích biện pháp này là nhằm tăng hiệu quả thông báo cho người dân về các biện pháp phòng, chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Cùng ngày, Ba Lan thông báo có thêm 20.156 ca mắc COVID-19 và 301 ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Ba Lan ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong 1 ngày.

Theo Bộ Y tế Ba Lan, tổng số ca nhiễm tại nước này trong chưa đầy 1 tháng qua đã tăng lên gấp 3, vượt hơn 300.000 người.

Giới chức cảnh báo số ca nhiễm có thể còn tăng nhanh do các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra tại các thị trấn và thành phố. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Ba Lan đã đóng cửa các nhà hàng, quán bar, cấm tập trung quá 5 người, yêu cầu các trường học dạy từ xa.

Cũng trong 24 giờ qua, Cộng hòa Séc đã ghi nhận thêm 12.977 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 297.013 ca, trong đó có 2.675 ca tử vong.

Thụy Sĩ cũng đã có thêm 9.386 ca mắc COVID-19. Tính đến nay, tổng số người mắc bệnh tại nước này là 145.044, trong đó có 1.985 ca không qua khỏi.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ các biện pháp mới mà chính phủ nước này vừa ban hành.

Phát biểu tại Hạ viện Đức ngày 29/10, Thủ tướng Merkel kêu gọi người dân ủng hộ các biện pháp hạn chế của chính phủ, kiên quyết mạnh tay với những người không tuân thủ các quy định.

Bà Merkel cho rằng những người theo chủ nghĩa dân túy lập luận virus SARS-CoV-2 "vô hại" là thiếu trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm.

Thủ tướng Đức nêu rõ hiện tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn quyết liệt bởi đã bắt đầu mùa Đông. Do đó, những thông tin giả, không đúng sự thật và các phát biểu mang tính thù địch gây ảnh hưởng tới việc đối phó với dịch COVID-19.

Trước đó, do lo ngại các cơ sở y tế quá tải, Thủ tướng Merkel đã quyết định phong tỏa đất nước trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 2/11, trong đó có việc đóng cửa các nhà hàng, phòng tập thể dục và rạp hát.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện số ca nhiễm mới tại Đức đang tăng mạnh. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 16.774 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong 1 ngày từ trước tới nay, và 89 ca tử vong. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Đức lần lượt là 481.013 và 10.272.

Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo toàn bộ các trường học đều phải yêu cầu học sinh trên 6 tuổi đeo khẩu trang trong lớp học. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp sẽ tiến hành đợt phong tỏa mới, bắt đầu từ nửa đêm 29/10.

Không giống như đợt phong tỏa kéo dài 2 tháng vào mùa Xuân nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, các trường học tại Pháp vẫn mở cửa. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán bar, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu sẽ lại phải đóng cửa cho đến ít nhất ngày 1/12 tới. Chính phủ cũng khuyến cáo các công ty cho nhân viên làm việc ở nhà.

Mặc dù không tiến hành phong tỏa như Pháp và Đức, song Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cho biết nước này sẽ tiến hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vốn được áp dụng gần đây tại nhiều khu vực ở phía Bắc vùng England.

Theo ông Jenrick, Chính phủ Anh đánh giá việc phong tỏa toàn quốc là không phù hợp. Dù phong tỏa có nhiều mặt tích cực, nhưng biện pháp này lại gây thiệt hại đối với đời sống của người dân, ảnh hưởng tới kinh tế.

Sau khi tạm lắng trong mùa Hè, dịch COVID-19 đã bắt đầu lây lan trở lại tại Anh vào tháng 9.

Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh công bố ngày 29/10 cho thấy cứ 9 ngày, số ca nhiễm tại nước này lại tăng gấp đôi, với gần 100.000 người mắc bệnh mỗi ngày.

Thống kê cho thấy hiện đang có 9.520 bệnh nhân mắc COVID-19 đang phải điều trị trong các bệnh viện tại Anh, mức cao nhất kể từ ngày 14/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục