Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ Y tế Singapore ngày 14/5 ghi nhận 52 ca mắc mới COVID-19 ở nước này, mức cao nhất kể từ ngày 30/1 vừa qua.
Trong số ca mắc mới, có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đều liên quan tới các ổ dịch hiện có, trong đó 13 ca liên quan ổ dịch lớn nhất hiện nay tại sân bay Changi.
Như vậy, tính đến ngày 14/5 Singapore có tổng cộng 61.505 ca mắc COVID-19, trong đó 61.029 ca đã khỏi bệnh, 150 ca đang điều trị tại bệnh viện, 243 người đang cách ly và 31 ca tử vong.
Từ ngày 16/5-13/6, Singapore sẽ thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Các quan chức Singapore kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines công bố 6.784 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.131.467 ca. Số ca tử vong tăng 137 ca lên 18.958 ca.
Từ ngày 15/5, Philippines sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và các khu vực lân cận để dần mở lại nền kinh tế cũng như giúp người dân khôi phục việc làm.
Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ (CCSA) cùng ngày 14/5 ghi nhận thêm 2.256 ca mắc mới và 30 ca tử vong, theo đó tổng số ca mắc ở nước này tăng lên 96.050 ca, trong đó có 548 người không qua khỏi.
Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước, với 1.087 ca ghi nhận ngày 14/5, tiếp theo là các tỉnh Pathum Thani (157 ca), Nonthaburi (131 ca) và Samut Prakan (121 ca).
Kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát đầu tháng trước, Thái Lan đã ghi nhận tộng cộng 67.187 ca mắc mới.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, CCSA đang cân nhắc sớm nới lỏng những hạn chế tại các tỉnh nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt và sẽ công bố những hướng dẫn mới vào ngày 15/5.
Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết việc nới lỏng các hạn chế sẽ được xem xét dựa trên một số yếu tố như đặc điểm ổ dịch, địa hình, số người có nguy cơ làm lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và số người được tiêm chủng.
Thông báo của CCSA được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 70% dân số nước này để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Để đối phó với mọi tình huống có thể phát sinh, Chính phủ Thái Lan ước tính nước này cần từ 150-200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các giai đoạn trong thời gian tới của chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tính đến ngày 14/5, Thái Lan đã tiêm được 2.124.732 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 63.067 người được tiêm mũi thứ 2.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Bangkok Panruedee Manomaipiboon cho biết người nước ngoài ở Thái Lan có thể sẽ phải đợi cho đến tháng 8 trước khi nhận được vaccine từ Chính phủ.
Quan chức y tế hàng đầu của Tòa thị chính Bangkok này nói thêm rằng Bộ Y tế đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả mọi người ở Thái Lan, bao gồm cả người nước ngoài và người nhập cư, nhưng kế hoạch là tiêm vaccine trước tiên cho những người có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu khác, những người có bệnh nền, người cao tuổi, sau đó chuyển sang công chúng.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna, mở đường cho khu vực tư nhân nhập khẩu và sử dụng vaccine này.
Tổng thư ký FDA cho biết việc sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna có hiệu lực trong 1 năm kể từ ngày 13/5. Đến nay, Moderna là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được phê duyệt tại Thái Lan.
Trước đó, FDA cũng đã phê duyệt các loại vaccine ngừa COVID-19 gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinovac./.