COVID-19 phá vỡ thời kỳ ổn định chính trị ở Nhật Bản

Dịch COVID-19 đã phá vỡ thời kỳ ổn định chính trị ở Nhật Bản, vốn bắt đầu từ sau khi ông Shinzo Abe trở lại chiếc ghế Thủ tướng vào cuối năm 2012.
COVID-19 phá vỡ thời kỳ ổn định chính trị ở Nhật Bản ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ Japan Times vừa đăng bài phân tích của tác giả Robert Ward, Chủ tịch kiêm Giám đốc về địa-kinh tế, địa-chính trị và chiến lược của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), về tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) tới chính trường Nhật Bản và những di sản dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Dịch COVID-19 đã phá vỡ thời kỳ ổn định chính trị ở Nhật Bản, vốn bắt đầu từ sau khi ông Shinzo Abe trở lại chiếc ghế Thủ tướng vào cuối năm 2012.

Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng giống như một đối trọng đối với ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á.

[Nhật Bản: BoJ quan ngại về rủi ro nợ xấu giữa khủng hoảng COVID-19]

Sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ năm 2016, Nhật Bản cũng là nước ủng hộ hàng đầu cho một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc. Vì vậy, bất ổn chính trị ở Nhật Bản có tác động mạnh đến phần còn lại của thế giới.

Các cuộc thăm dò dư luận ở Nhật Bản cho thấy kể từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Abe liên tục sụt giảm.

Có vẻ như ông Abe hầu như không còn cơ hội đi vào lịch sử với việc giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Điều này phần nào phản ánh sự mệt mỏi của ông Abe, vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản.

Hậu quả là chương trình nghị sự chính sách đối nội của ông cũng mất đi động lực. Dịch COVID-19 đã nhấn chìm nỗ lực cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Abe.

Trong khi đó, hiệu quả của Abenomics, chính sách phát triển kinh tế mang dấu ấn riêng của Thủ tướng Abe và là cơ sở cho sự ủng hộ của cử tri đối với chính trị gia này, cũng đang giảm dần.

Năm 2020, Nhật Bản sẽ trải qua đợt suy thoái kinh tế tàn khốc nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nhật Bản có nguy cơ không thể khôi phục nền tảng kinh tế đã bị mất trong đợt suy thoái này sớm nhất là cho đến năm 2022.

Môi trường bên ngoài đang xấu đi

Những diễn biến chính trị gần đây ở Nhật Bản xảy ra vào thời điểm môi trường địa-chính trị bên ngoài đang xấu đi. Các căng thẳng chính trị và kinh tế do đại dịch gây ra đã làm gia tăng bất đồng giữa Mỹ, đồng minh quan trọng nhất về an ninh của Nhật,  và Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản.

Mỹ đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực, từ công nghệ đến tài chính. Việc Washington có thể xóa bỏ vị thế đặc biệt của Hong Kong theo luật của Mỹ nếu Trung Quốc ban bố Luật An ninh Quốc gia đối với vùng lãnh thổ này khiến cho bất đồng giữa hai nước càng gia tăng.

Chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc tiếp tục gây bất ổn ở khu vực xung quanh nước này. Trong nửa đầu năm 2020, Bắc Kinh đã thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì chủ nghĩa tích cực quốc tế gần đây của Nhật Bản trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là đối với các quốc gia nhỏ hơn đang tìm cách né tránh việc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc các nước này muốn Nhật Bản tiếp tục can dự là rất rõ ràng. Bằng chứng là vào giữa tháng 4/2020, Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) để thảo luận về biện pháp ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng.

Lựa chọn tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 thay vì Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc của Việt Nam rất đáng chú ý.

Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vị thế nước đi đầu trong các vấn đề y tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và thậm chí đã hồi sinh khái niệm “Con đường Tơ lụa Y tế.”

Trong khi đó, Đông Nam Á đang muốn nhận được hỗ trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đề xuất của Thủ tướng Abe tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về việc thiết lập một trung tâm khẩn cấp về dịch bệnh và y tế công cộng và nhấn mạnh vào việc trao đổi thông tin một cách minh bạch cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của vấn đề an ninh y tế trong địa-chính trị sau đại dịch.

Do đó, việc Nhật Bản tham gia vào Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và các cuộc thảo luận khác là một nhân tố quan trọng đảm bảo sự cân bằng cho khu vực.

Thay đổi thể chế và nghệ thuật lãnh đạo đất nước về kinh tế

Những thay đổi về thể chế gần đây của Nhật Bản có thể tăng cường sự linh hoạt của chính sách.

Việc Tokyo thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) liên cơ quan năm 2013 là một bước tiến rất cần thiết trong việc thúc đẩy sự phối hợp chính sách giữa các Bộ ở Nhật Bản và nhờ vậy, tăng hiệu quả của công tác hoạch định chính sách.

COVID-19 phá vỡ thời kỳ ổn định chính trị ở Nhật Bản ảnh 2Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc thiết lập một đơn vị kinh tế, cũng là cơ quan liên ngành, trực thuộc Ban Thư ký An ninh Quốc gia của NSC vào tháng 4/2020 là nhằm tăng cường độ sâu thể chế bằng cách đưa nghệ thuật quản lý Nhà nước về kinh tế vào trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia.

Nhật Bản là một trong những nước sớm nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc nằm ở vấn đề địa-kinh tế cũng như sức mạnh cứng về an ninh. Việc Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 do tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước là một bài học quan trọng cho Tokyo về khả năng Nhật Bản bị tổn thương trước sự áp bức về kinh tế của Trung Quốc.

Các xu hướng mới hơn như tác động của sự cạnh tranh về công nghệ Mỹ-Trung đối với Nhật Bản, rủi ro từ các cuộc tấn công mạng có xuất xứ từ Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng kinh tế của Nhật Bản, vấn đề Triều Tiên và các nước khác, và thậm chí kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ làm gia tăng các quan ngại ở Tokyo về sự cần thiết phải hợp nhất chiến lược kinh tế và an ninh.

Các định hướng ngoại giao kinh tế gần đây của Nhật Bản sẽ tồn tại lâu hơn chính quyền của Thủ tướng Abe. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018, là một ví dụ điển hình và đang trở thành một công cụ quan trọng giúp duy trì ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Nhật Bản tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

CPTPP giúp mở cửa nền kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn công nghiệp ở 11 quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng tạo ra một khuôn khổ cho các quốc gia nhỏ hơn hợp tác.

Là nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP, Nhật Bản chắc chắn đóng vai trò dẫn dắt trong khối này. Càng nhiều quốc gia tham gia, ảnh hưởng của Nhật Bản sẽ càng mở rộng.

Di sản của Thủ tướng Abe?

Tất nhiên, các thể chế và khuôn khổ chỉ mạnh khi ý chí chính trị ủng hộ chúng mạnh. Tuy nhiên, nếu kiềm chế Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất đối với tất cả các nền dân chủ phương Tây, Nhật Bản có thể được chuẩn bị tốt hơn về mặt thể chế và khái niệm so với nhiều quốc gia giàu có khác.

Phần lớn sự chuẩn bị này phản ánh nỗ lực xây dựng nghệ thuật quản lý Nhà nước về kinh tế của Thủ tướng Abe. Đây chính là di sản tồn tại lâu nhất mà Thủ tướng Abe để lại và nó liên quan tới việc Nhật Bản có thể xây dựng một liên minh giữa các cường quốc tầm trung để cân bằng các tác động gây bất ổn của mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.