COVID-19: Tây Ban Nha có thể triển khai hộ chiếu vaccine vào tháng 5

Tây Ban Nha có thể bắt đầu sử dụng hộ chiếu vaccine vào tháng Năm tới, khi hội chợ du lịch quốc tế FITUR được tổ chức ở thủ đô Madrid.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 tại Barcelona. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/3, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto cho biết nước này có thể bắt đầu sử dụng hộ chiếu vaccine vào tháng Năm tới, khi hội chợ du lịch quốc tế FITUR được tổ chức ở thủ đô Madrid.

Phát biểu trên kênh truyền hình Antena 3, bà Maroto nêu rõ: "Chúng tôi có thể sẵn sàng thực thi hộ chiếu số khi FITUR khai mạc vào ngày 19/5."

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm hơn 900.000 người ở châu Âu tử vong và đẩy châu lục này vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiếp tục làm việc về "hộ chiếu vaccine," loại giấy tờ chứng nhận cho những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển nội khối và cứu vãn ngành du lịch châu Âu trong mùa Hè sắp tới.

[COVID-19: Tây Ban Nha lên kế hoạch mở cửa cho du lịch quốc tế]

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo rằng những kỳ vọng cho rằng 25% dân số nước này có thể được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng Tư là phi thực tế.

Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, ông Spahn cho biết, số lượng người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ tăng lên đáng kể từ tháng Tư, nhưng không thể lập tức tăng ngay lên 20 triệu/1 tháng, hoặc thậm chí 10 triệu/1 tuần.

Vào tháng Tư, số lượng người được tiêm chủng sẽ tăng đáng kể nhờ các bác sỹ gia đình sẽ tham gia công tác tiêm chủng cho người dân, tiếp đó là bác sỹ các công ty.

Trong khi đó, ông Andreas Gassen thuộc Hiệp hội các bác sỹ bảo hiểm y tế (KBV) đang lên tiếng kêu gọi chính phủ và các bang nhanh chóng để đưa các bác sỹ đa khoa và bác sỹ chuyên khoa tham gia chiến dịch tiêm chủng.

Theo ông Gassen, các bác sĩ đa khoa và bác sỹ chuyên khoa có thể thực hiện 5 triệu lần tiêm chủng/1 tuần, thậm chí có thể nhiều hơn.

Một điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người Đức ngày càng tức giận về tiến độ triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia. Đến nay mới chỉ có khoảng 6,4% trong tổng số 83 triệu dân của nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, thấp hơn nhiều so một số nước như Anh, Israel và Mỹ.

Liên quan đến những hậu quả gây ra bởi đại dịch COVID-19, Văn phòng Thống kê liên bang Đức công bố báo cáo đánh giá, rằng hoạt động khó khăn của ngành công nghiệp lưu trú ở Đức sẽ kéo dài trong năm 2021.

Trong tháng Một, tổng cộng chỉ có 6,4 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng..., giảm 76,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu này phản ánh hậu quả từ các lệnh cấm lưu trú, hạn chế về chỗ ở của chính phủ Đức và các bang nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khoảng 52.000 cơ sở lưu trú được ghi nhận, chỉ có 29.200 cơ sở mở cửa. Số lượt lưu trú qua đêm của khách trong nước giảm xuống còn 5,7 triệu lượt, giảm 73,9% so với tháng 1/2020, du khách nước ngoài thậm chí giảm tới 86,3% xuống còn 700.000 lượt.

Hiệp hội Du lịch Đức (DTV) lo ngại rằng không thể bù đắp được thiệt hại từ đợt phong tỏa vào mùa Đông. Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Đức trong năm 2020 khi số lượng khách lưu trú qua đêm giảm 39% xuống còn 302,3 triệu lượt. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1992.

Theo báo cáo của Viện Robert Koch (RKI) sáng 10/3, các cơ quan y tế Đức ghi nhận thêm 9.146 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua và hơn 300 ca tử vong trong khi chỉ số lây nhiễm giảm từ 67,4 xuống còn 65,4 ca/100.000 dân/1 tuần. Đến nay, Đức ghi nhận hơn 2,51 triệu ca mắc COVID-19 và 72.489 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục