CPI tháng Chín giảm, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất

Chỉ số CPI tháng Chín giảm 0,21% so với tháng Tám và bằng 100% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI tháng này chỉ tăng 0,4% so với tháng 12 năm 2014.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng​ Chín giảm 0,21% so với tháng Tám và bằng 100% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI tháng này chỉ tăng 0,4% so với tháng 12 năm 2014 đồng thời CPI bình quân chín tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 0,74%.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, CPI tháng Chín có mức giảm so với tháng trước đó và so với tháng 12 thì đây cũng là mức tăng thấp nhất, dưới 1%.

Chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, ngày 24/8 cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá. Trong đó, nhóm giáo dục tiếp tục có mức tăng cao nhất và đạt 1,24% và tăng thấp nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%.

Ngoài ra, các nhóm giảm giá là giao thông giảm 3,17%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,68% và bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bà Ngọc chỉ ra các nguyên nhân khiến CPI tháng Chín giảm, cụ thể, giá xăng điều chỉnh giảm 1.970đ/lít, giá dầu diezel giảm 550đ/lít, giá dầu hỏa giảm 830đ/lít (ngày 19/8 và ngày 3/9) kéo theo chỉ số giá tại nhóm giao thông giảm 3,17%, góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác, như giá gas trong nước điều chỉnh giảm 12.000đ/bình 12 kg. Mức giá phổ biến ở mức 270.000đồng/ bình 12kg (từ ngày 1/9).

Theo bà Ngọc, giá gas trong nước điều chỉnh giảm do giá gas nhập khẩu trong tháng ​Tám giảm 62,5 USD, chốt giá ở mức 330 USD/tấn và đây là tháng thứ tư liên tiếp giá gas liên tục giảm nhẹ với tổng mức giảm 37.500 đồng/bình 12 kg.

“Ngoài ra, hiện nay thời tiết đã chuyển sang mùa Thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%. Thêm vào đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực-thực phẩm giảm 0,14%,” bà Ngọc ​phân tích.

Trong tháng, chỉ số giá USD trên trong nước tăng 2,71% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 21.376 VND/USD lên 21.890 VND/USD, tăng 1% (ngày 19/8) đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, đón đầu quyết định tăng lãi suất của FED và ứng phó kịp thời với tình hình biến động của thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại lớn.

Tháng này, giá vàng trong nước tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới. đáng chú ý với thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng tỷ giá đã khiến vàng SJC trong nước xác lập mức giá trên 35 triệu đồng/lượng(ngày 19/8). Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã điều chỉnh dao động quanh mức 33,98 triệu đồng - 34,06 triệu đồng/lượng vàng SJC.


Giá gạo xuất khẩu giảm 115 USD/tấn

Tổng quan chín tháng của năm nay, CPI hiện có tốc độ tăng thấp kể từ năm 2001 lại đây. Theo Báo cáo, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,04% và sau chín tháng CPI tăng 0,4% so với cuối năm 2014.

Bà Ngọc cho rằng, “việc CPI giữ ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.”

Báo cáo cũng chỉ ra những biến động giá cả từ thị trường thế giới có tác động đến Việt Nam, hiện sản lượng lương thực của thế giới khá dồi dào cùng với sự cạnh tranh không nhỏ từ các nước Thái Lan, Ấn Độ khiến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn hơn, do đó giá lương thực luôn ở mức thấp hơn các nước khác.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thống kê cho thấy, từ tháng Ba đến nay chỉ số giá lương thực liên tục giảm ​có nguyên nhân chính là do tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh, bởi nước này đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới đồng thời tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Ngoài ra, trước đây Thái Lan chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo cấp thấp gần như không quan tâm nhưng trong hai năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị trường gạo cấp thấp vốn là thị phần chủ yếu của gạo Việt Nam.

Mặt khác, thời gian gần đây gạo Myanmar và Campuchia nổi lên là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam và đã từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động ở mức 345-355USD/tấn (gạo 5% tấm) giảm hơn 115USD/tấn so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu gạo gặp khó khăn đã tác động đến giá bán buôn, bán lẻ gạo trong nước giảm (chỉ số giá nhóm gạo tại thời điểm tháng 9 giảm 2,99% so với cuối năm trước.

Theo đánh giá từ nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo, hai năm gần đây, chỉ  số CPI tăng thấp còn ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý, hoạt động chi tiêu của người dân được tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc hơn. Do đó, phía cung ứng hàng hóa-dịch vụ cũng không dễ gì mà tăng giá cao vào dịp Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục