Nhận định về tác động đối với Việt Nam của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức được 11 quốc gia thành viên ký kết tại Chile, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.
Theo Viện Peterson, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng trên dưới 1% GDP nhờ CPTPP. Trong khi đó, Mỹ có thể “bại trận” với mức tăng GDP chỉ 0,5% (trị giá 131 tỷ USD). Hơn nữa, Mỹ có thể mất thêm 2 tỷ USD vì các công ty ở các nước thành viên CPTPP có động lực để trao đổi thương mại với nhau thay vì với các công ty Mỹ.
[Chuyên gia Singapore: Việt Nam cần cải cách để tận dụng cơ hội CPTPP]
Cũng liên quan đến hiệp định CPTPP vừa được ký kết, tiến sỹ Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tại Singapore, cho biết trong khi nông nghiệp được nhìn nhận sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, các lĩnh vực dịch vụ (như dịch vụ tài chính) cũng nằm trong nhóm các lĩnh vực được hưởng lợi chính của CPTPP.
Đối với Việt Nam, ngành chế biến thực phẩm và bánh kẹo sẽ có xu hướng có lợi khi CPTPP được thực hiện đầy đủ. Để được hưởng lợi từ CPTPP và các điều khoản của nó, các nền kinh tế thành viên sẽ phải cam kết thực hiện các quy định của mình. Điều này sẽ dẫn đến cam kết chính sách và thực hiện cải cách cơ cấu trong nước, trong đó một số nước đã coi CPTPP là động lực thúc đẩy cải cách trong nước trong khi những thành viên khác cũng cam kết thực hiện một cách đầy đủ và có trách nhiệm.
Tiến sỹ Hoe Ee Khor đánh giá CPTPP thể hiện là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, làm thay đổi cuộc chơi trong tự do hóa thương mại. Trong khi nhiều hiệp định thương mại tự do tập trung vào cắt giảm thuế, CPTPP đã "vượt xa" với việc đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng cao về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, lao động và giải quyết tranh chấp.../.