''Cú đúp'' khó khăn đe dọa Đặc khu Hành chính Hong Kong

Giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2020 đã giảm thêm 22,7%, gây tâm lý lo ngại tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với hoạt động thương mại của Đặc khu Hành chính Hong Kong.
''Cú đúp'' khó khăn đe dọa Đặc khu Hành chính Hong Kong ảnh 1Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Princess Margaret ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong cho biết báo cáo mới đây của Văn phòng Cố vấn kinh tế của chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong ước tính có khoảng 2% trong số 2,9% tăng trưởng kinh tế âm so với cùng kỳ năm trước trong quý 3/2019 được cho là do tác động ảnh hưởng từ phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đến các ngành bán lẻ, ăn uống, khách sạn và du lịch.

Theo ước tính chính thức, nền kinh tế Hong Kong có thể đã thiệt hại khoảng 14,79 tỷ đôla Hong Kong (gần 1,9 tỷ USD) vào năm ngoái do phong trào biểu tình.

Giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2020 đã giảm thêm 22,7%, gây tâm lý lo ngại tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với hoạt động thương mại của Đặc khu này.

[Hong Kong tiếp tục ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới]

Chính quyền Đặc khu Hong Kong không loại trừ sự suy thoái của các ngành nghề liên quan, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi của đàm phán thương mại Trung-Mỹ trong giai đoạn này, nhưng tác động về mặt này tương đối hạn chế.

Chính quyền Hong Kong cũng chỉ rõ các sự kiện xã hội đã làm suy yếu nền kinh tế và môi trường đầu tư nói chung, chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp cũng chậm lại.

Theo công bố ngày 26/2 của Cục Thống kê Hong Kong, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2020 là 269,4 tỷ HKD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với dự báo thị trường 3,7%, giá trị nhập khẩu đạt 300 tỷ HKD, giảm 16,4% so với kế hoạch năm, mức giảm cũng lớn hơn 2,5% so với dự báo thị trường.

''Cú đúp'' khó khăn đe dọa Đặc khu Hành chính Hong Kong ảnh 2Hành khách đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn Cục Thống kê Hong Kong cho biết đợi đến khi có các số liệu thương mại của tháng 2/2020, kết hợp phân tích với các số liệu của tháng Một sẽ phản ánh rõ ràng tình hình thực tế, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động ngoại thương của khu vực này.

Phong trào biểu tình tại Hong Kong mặc dù đã giảm bớt do dịch COVID-19, tuy nhiên một vài nhân vật thuộc phe ủng hộ dân chủ được bầu là thành viên Hội đồng quận trong thời kỳ biểu tình đã không ngừng thách thức chính quyền và lực lượng cảnh sát Đặc khu.

Trong đó, một số thành viên Hội đồng quận Sai Kung thuộc phe ủng hộ dân chủ đang lên kế hoạch đổi tên khu khuôn viên đường Tung Ming ở khu vực Tướng Quân Áo thành Công viên tưởng niệm Chu Tử Lạc và khuôn viên trong Công viên Điều Cảnh Lĩnh thành Công viên tưởng niệm Trần Ngạn Lâm.

Chu Tử Lạc và Trần Ngạn Lâm là hai học sinh đã tử vong trong "cơn bão" biểu tình năm 2019.

Theo kết quả thăm dò dư luận gần nhất do Viện nghiên cứu dân ý Hong Kong (HKPORI) thực hiện, tỷ lệ ủng hộ Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Chính quyền Hong Kong tiếp tục giảm.

Chỉ có 18,2% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ bà Lâm, niềm tin của người dân Hong Kong vào tiền đồ của Đặc khu và “Một nước, hai chế độ” cũng suy giảm mạnh.

Về bản báo cáo được cho là của Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga gửi lên Chính phủ Trung ương liên quan công tác chống dịch COVID-19 mà Nhật báo Bình Quả mới tiết lộ, Cục trưởng Cục Hiến pháp và các vấn đề Đại lục Nhiếp Đức Quyền đã bác bỏ và nhấn mạnh rằng từ trước đến nay ông không bao giờ bình luận hay tiết lộ các vấn đề thông tin liên lạc giữa Hong Kong và Đại lục.

Chính quyền Hong Kong gần đây mới công bố việc thuê bao các máy bay để đón những công dân Hong Kong bị mắc kẹt ở Hồ Bắc trở lại Đặc khu. Ông Nhiếp Đức Quyền giải thích nguyên nhân là do các cơ sở kiểm dịch chưa sẵn sàng và ở đây không có sự cân nhắc về chính trị.

Tài khoản Facebook chính thức mang tên “Tamar Talk” của Chính quyền Hong Kong mới đăng bài viết có tiêu đề “Không phải Hỏa Thần Sơn,” phủ nhận khu nghỉ dưỡng Lei Yue Mun trên Bán đảo Cửu Long sẽ được sử dụng để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến điều trị, nhấn mạnh rằng nơi này sẽ chỉ được sử dụng làm trung tâm kiểm dịch cách ly./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.