Không gian nhà văn hóa thôn bản là nơi bà con sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Không gian nhà văn hóa thôn bản là nơi bà con sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa:

Cú hích lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, cổ vũ lực lượng sáng tạo.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với nguồn vốn hơn 122.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Chủ trương này đã làm nức lòng những người làm văn hóa bởi đây là chương trình có quy mô rất lớn được cho là sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về nguồn lực để phát triển văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ vọng lớn vào Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được xem như một chiến lược toàn diện nhằm tháo gỡ nút thắt về nguồn lực và tạo ra cơ hội phát triển văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập. Chương trình này không chỉ tăng cường ngân sách cho văn hóa mà còn tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng văn hóa, hỗ trợ các sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật đồng thời phát triển công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

congnghiepvanhoa.JPG
Nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được chú trọng đầu tư. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Văn hóa Việt Nam không chỉ là di sản quý giá của dân tộc mà còn là nền tảng giúp Việt Nam vươn tới tương lai bền vững. Cùng với sự phát triển của đất nước, chương trình phát triển văn hóa đời sống là một bước đi chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự sáng tạo, bảo tồn giá trị truyền thống và khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa. Đầu tư vào văn hóa là đầu tư vào tương lai, khi mà mỗi sản phẩm văn hóa không chỉ phản ánh bản sắc dân tộc mà còn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của quốc gia,” ông Bùi Hoài Sơn nói.

Cùng quan điểm đó, bà Âu Thị Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là một giải pháp thực sự cần thiết và toàn diện để khắc phục các điểm nghẽn về nguồn lực mà lĩnh vực văn hóa hiện nay đang gặp phải.

Bà Âu Thị Mai kỳ vọng Chương trình sẽ góp phần hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra: “Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao mức sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để thực sự là đột phá phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.”

Bà cũng tin tưởng Chương trình thực sự tạo được bước chuyển trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới, khắc phục được những hạn chế, yếu kém đang còn tồn tại. Các lĩnh vực cần được hỗ trợ như công nghiệp văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa; phát triển văn học nghệ thuật; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật… sẽ được gỡ khó và tạo đà phát triển thực sự bền vững.

Tập trung vào nguồn nhân lực

Trước đây, nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách phát triển văn hóa cũng còn thiếu những giải pháp mang tính đột phá. Các quy định pháp lý về văn hóa chưa tạo ra động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Chính sách ưu đãi về thuế, đất đai hay hỗ trợ vốn vay cho các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế, khiến cho lĩnh vực này khó bứt phá và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Chính vì vậy, việc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thông qua mang đến những tín hiệu vui đối với những người hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

tranluc2.png
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực và các nghệ sỹ thuộc Sân khấu LucTeam. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực, Giám đốc Hãng phim Đông A và Sân khấu LucTeam cho rằng việc phát triển văn hóa cần những chính sách đồng bộ từ việc giảm thuế, miễn thuế song song với đào tạo, hỗ trợ nguồn nhân lực.

Qua kinh nghiệm tham gia giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực cho biết nhiều lứa học trò của ông ra trường đã gặp rất khó khăn khi làm nghề. Nghệ sỹ bày tỏ mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia dành nguồn lực để hỗ trợ văn nghệ sỹ, khuyến khích những người trẻ theo học văn hóa nghệ thuật.

“Theo tôi, muốn phát triển ngành phải đầu tư vào con người. Chúng ta đang nói đến nguồn ngân sách đầu tư cho văn hóa với những số tiền khổng lồ, nhưng hãy đầu tư vào con người trước tiên. Dù là điện ảnh, nghệ thuật trình diễn hay sân khấu truyền thống thì đầu tư cho giáo dục đào tạo nguồn nhân lực là điều quan trọng nhất,” Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực nói.

nguyenthisuu-vgp.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư cho nguồn nhân lực.

Bà cho rằng Chương trình sẽ giải quyết bài toán về nguồn lực đầu tư cho con người là chủ thể phát triển văn hóa và nguồn lực về tài chính nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích đang có nguy cơ xuống cấp và mai một.

“Chương trình sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi quá trình thực hiện có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương; các mục tiêu đặt ra có tính khả thi và được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với ưu tiên cho các vấn đề cấp bách,” bà Sửu nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản-In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay ngành xuất bản thời gian qua đã có những bước phát triển nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nỗ lực rất lớn của chính các tác giả và những người làm công tác xuất bản.

Liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với mục tiêu cụ thể là văn hóa đóng góp 8% GDP, ông Nguyên cho rằng ngành xuất bản (một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa) cần có quy mô đủ lớn, phải ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tạo ra sản phẩm có tính đồng đều về mặt chất lượng, quan trọng hơn cả là tạo ra giá trị gia tăng.

hoisach59.JPG
Ngành xuất bản thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Ở góc độ công nghiệp văn hóa, xuất bản không chỉ cần phát triển theo chiều rộng mà còn phải phát triển theo chiều sâu, tức là phải có bản sắc quốc gia-dân tộc, cá tính của người sáng tạo. Chúng ta có thể coi ngành xuất bản như một ngành cung cấp content (nội dung) cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn một cuốn sách hay có thể được chuyển thể thành phim, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút khách du lịch. Sách có thể là chất gắn kết các lĩnh vực phim ảnh, sân khấu, nghệ thuật biểu diễn,” ông Nguyễn Nguyên nói.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan phải có sự kết hợp chặt chẽ để có kế hoạch tổng thể dựa trên chiến lược đã được Quốc hội bàn thảo.

“Với nguồn vốn đầu tư rất lớn dành cho văn hóa, chúng ta cần phát triển ngành đúng với tầm vóc, tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển chung của xã hội,” ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh./.

0486a0db-4593-47ed-b95d-9336e9a4d8cb.jpg
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.