Cử tri Brazil với sự lựa chọn giữa hai mô hình phát triển

Cử tri Brazil không chỉ đơn thuần bầu bà Rousseff hay ông Neves làm tổng thống mà sẽ phải cân nhắc chọn một trong hai mô hình phát triển đối nghịch.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Dilma Rousseff (phải) và ông Aécio Neves thuộc Đảng Xã hội dân chủ (PSDB). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cử tri Brazil ngày 26/10 sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vòng hai và lần đầu tiên đảng Lao động (PT) gặp khó khăn lớn, thậm chí có nguy cơ bị thất bại sau 12 năm cầm quyền ở đất nước đông dân nhất Mỹ Latinh này.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/10 vừa qua, Tổng thống sắp mãn nhiệm Dilma Rousseff đã về nhất với 41,6% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ông Aécio Neves thuộc Đảng Xã hội dân chủ (PSDB) bất ngờ về nhì với 33,6% số phiếu bầu, khiến ứng cử viên của Đảng Xã hội (PSB) Marina Silva - từng được cho là “một phát hiện” của cuộc bầu cử năm nay, phải chia tay cuộc đua vào Dinh Planalto (phủ tổng thống).

Bà Rouseff, 66 tuổi, từng bị tù đầy khi tham gia đấu tranh chống chế độ độc tài. Năm 2000, bà gia nhập PT theo đường lối cánh tả. Trước khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Brazil năm 2011, bà là Bộ trưởng Khai khoáng và Năng lượng (2003-2005) và Bộ trưởng, Chánh văn phòng Phủ tổng thống (2005-2010), đều dưới thời Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, người sáng lập PT.

Trong khi đó, ông Neves, 54 tuổi, là nhà kinh tế theo tư tưởng tự do mới, có cha là hạ nghị sỹ và ông nội từng được bầu làm tổng thống nhưng qua đời trước khi nhậm chức. Ông từng là hạ nghị sỹ, chủ tịch hạ viện, thống đốc bang và hiện là thượng nghị sỹ và Chủ tịch PSDB, đảng đối lập lớn nhất tại Brazil.

Hai mô hình đối nghịch

Tại cuộc bỏ phiếu tới, cử tri Brazil không chỉ đơn thuần bầu một trong hai chính trị gia đều sinh ra tại Minas Gerais, một trong những bang giàu có nhất tại Brazil, mà sẽ phải cân nhắc chọn một trong hai mô hình phát triển đối nghịch.

Cam kết tranh cử của bà Rousseff được thể hiện cô đọng trong khẩu hiệu “Chính phủ mới, ý tưởng mới” nhằm củng cố và mở rộng những thành tựu xã hội mà PT đã đem lại cho đất nước trong hơn một thập niên qua thông qua các biện pháp như tăng lương tối thiểu, duy trì trợ cấp cho người nghèo, tăng cường xây dựng nhà xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, cung cấp dịch vụ internet băng thông cho tất cả người dân…

Theo chính trị gia gốc Bulgaria này, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua, nhưng khác với nhiều nước, người dân Brazil không phải hứng chịu hậu quả nặng nề của khủng hoảng vì việc làm không bị cắt giảm và thu nhập của người dân tiếp tục tăng. Bà phản đối chủ trương của ông Neves phục hồi kinh tế bằng mọi giá, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập thấp.

Kể từ khi lên cầm quyền, PT tập trung phát triển kinh tế song song với thực hiện công bằng xã hội. Chính sách này cho phép Brazil có thời điểm vươn lên trở thành nền kinh tế thứ sáu thế giới, hơn 40 triệu người nghèo gia nhập tầng lớp trung lưu, tỷ lệ bần cùng giảm 75%, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm 50% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Ngược lại, ông Neves muốn chấm dứt vai trò điều tiết của chính phủ đối với hoạt động của các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh, thúc đẩy một mô hình kinh tế dựa vào tư nhân hóa và cắt giảm mạnh chi tiêu để khôi phục sự tăng trưởng. Ông cũng chủ trương giảm tỷ lệ lạm phát xuống 3%, bất chấp cái giá phải trả là thất nghiệp tăng.

Những đề xuất trên bị Tổng thống Rousseff chỉ trích kịch liệt, bởi nó đã được áp dụng khi PSDB cầm quyền giai đoạn 1995-2002 dưới thời Tổng thống Fernando Henrique Cardoso, và đem lại hậu quả thảm khốc khi nhiều doanh nghiệp nhà nước bị tư nhân hóa, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 12,5%, lãi suất ngân hàng tăng lên mức kỷ lục 45%/ năm. Với chính sách tự do mới được PSDB áp dụng, Brazil ba lần bị “phá sản” và phải tìm kiếm các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo bà Rousseff, PSDB trong quá khứ chỉ phục vụ quyền lợi của thiểu số giàu có, đặc biệt là các doanh nhân và chủ nhà băng lớn và "những kẻ đầu sỏ" chính trị, phớt lờ lợi ích của số đông người nghèo trong xã hội.


Thách thức lớn đối với PT sau 12 năm cầm quyền

Cũng như nhiều nước, Brazil chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm nay, theo dự báo mới nhất của chính phủ, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này chỉ tăng trưởng 0,7%, trong khi lạm phát tiến gần tới mức trần 6,5% được chính phủ đề ra. Theo một số chuyên gia tư nhân, tỷ lệ tăng trưởng năm nay thậm chí giảm xuống còn 0,3%.

Tăng trưởng giảm, lạm phát tăng cùng vụ bê bối tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras là những điểm yếu của chính phủ được các ứng viên đối lập khai thác triệt để trong nỗ lực tạo ra cho dân chúng hình ảnh một tổng thống điều hành kinh tế yếu kém. Mặt khác, việc các ứng viên đối lập cam kết tiếp tục các chương trình xã hội rất thành công của PT, đồng thời nhanh chóng giải quyết những vấn đề trên nếu thắng cử đã khiến không ít cử tri từng ủng hộ chính phủ chuyển sang ủng hộ họ. Điều đó thể hiện qua kết quả bỏ phiếu tổng thống vòng một.

Mặc dù bị bà Rousseff dẫn 8% tại vòng một, nhưng ông Neves đã vượt lên dẫn 2% trong các cuộc thăm dò dư luận đầu tiên trước thềm cuộc bỏ phiếu vòng hai. Tuy nhiên, các cuộc điều tra dư luận sau đó lại cho thấy bà Rousseff giành được sự ủng hộ nhỉnh hơn từ những người được tham khảo ý kiến với cách biệt từ 6-8%.

Các nhà phân tích cho rằng việc Đảng Xã hội, từng là đồng minh của PT kể từ khi đảng này lên cầm quyền năm 2003, và bà Marina Silva - người đã giữ lập trường trung lập tại bầu cử vòng hai cách đây bốn năm, nhưng lần này công khai ủng hộ ông Neves - đã góp phần tạo ra tình huống hết sức gay cấn trên. Mặc dù về thứ ba, nhưng tiếng nói của bà Silva có trọng lượng vì được sự ủng hộ của không ít cử tri (21,3% số phiếu bầu).

Với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh và dân số hơn 200 triệu người, cuộc bầu cử tổng thống Brazil thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong khu vực. Brazil sẽ trở nên thân phương Tây và áp dụng chính sách phát triển kinh tế theo tư tưởng tự do mới của ông Neves hay tiếp tục con đường của PT phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, ưu tiên liên kết khu vực và thúc đẩy quan hệ với các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS)? Có lẽ phải chờ tới khi các phiếu bầu được kiểm mới có thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục