Cử tri Thái Lan khó lựa chọn trước thời điểm trưng cầu ý dân

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý sắp tới sẽ xác lập chương trình nghị sự cho hệ thống chính trị Thái Lan cho tới cuộc tổng tuyển cử mà chính quyền quân sự cầm quyền dự định tổ chức vào giữa năm 2017.
Cử tri Thái Lan khó lựa chọn trước thời điểm trưng cầu ý dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Hơn 50 triệu cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp mới vào ngày 7/8 tới - đạo luật cơ bản tối cao chế định hệ thống chính trị cũng như con đường phát triển kinh tế, xã hội của “xứ chùa Vàng” trong tương lai.

Bản dự thảo hiến pháp mới dày hơn 100 trang này đưa ra những điều chỉnh chưa từng có đối với 3 mảng lớn gồm: cơ quan lập pháp, cơ cấu chính trị và quyền hạn tư pháp ở Thái Lan.

Về cơ quan lập pháp, dự thảo quy định kiểm soát chặt chẽ hơn việc bầu 500 thành viên trong Hạ viện, nâng số ghế tại Thượng viện từ 200 lên 250 ghế và hoàn toàn do quân đội đề cử.

Về cơ cấu chính trị, dự thảo quy định hai viện Quốc hội bầu thủ tướng, chứ không phải do đảng chiếm đa số trong Hạ viện bầu ra.

Thượng viện cũng có quyền bác bỏ đề cử của đảng chiếm đa số, và thay vào đó là nhân vật do Thượng viện đề cử, có thể không phải là thành viên của quốc hội hay đảng phái nào.

Về quyền hạn tư pháp, dự thảo tăng thêm quyền tài phán của Tòa án Hiến pháp, theo đó Tòa án Hiến pháp có thể trực tiếp xét xử các chính khách bị tình nghi tham nhũng.

Dự thảo hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo cho đến nay vẫn đối mặt với nhiều nghi ngại từ cả dân chúng lẫn các nhóm chính trị, đặc biệt là điều khoản trong dự thảo mở ra khả năng cho phép quân đội tiếp tục nắm giữ quyền lực, bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý hay cuộc tổng tuyển cử như thế nào.

Do có nhiều tranh cãi, nên dự thảo hiến pháp này đã vài lần được sửa đổi trong hai năm qua. Hiện lực lượng ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới bao gồm lực lượng quân đội và giới bảo hoàng cùng bộ phận dân chúng sinh sống ở miền Trung, vùng đồng bằng sông Chao Phraya và các tỉnh giáp miền Nam Thái Lan.

Trong khi đó, lực lượng phản đối – dẫn đầu là đảng Pheu Thai, cánh chính trị của lực lượng Áo Đỏ - quy tụ những người dân nghèo sinh sống ở phía Bắc và vùng Đông Bắc Thái Lan. Một diễn biến đáng chú ý là có sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ do cựu Thủ tướng Abhisit Veijajiva đứng đầu - chính đảng lâu đời nhất Thái Lan và được cho là có quan điểm gần gũi với quân đội và giới bảo hoàng.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý sắp tới sẽ xác lập chương trình nghị sự cho hệ thống chính trị Thái Lan cho tới cuộc tổng tuyển cử mà chính quyền quân sự cầm quyền dự định tổ chức vào giữa năm 2017. Cuộc tổng tuyển cử này sẽ diễn ra dù bản dự thảo hiến pháp mới có được phê chuẩn hay không.

Các cuộc thăm dò dư luận của Viện Phát triển Hành chính quốc gia (Viện NIDA), cơ quan thăm dò xã hội học đáng tin cậy nhất ở Thái Lan, cho thấy khả năng bản dự thảo hiến pháp mới được thông qua chưa rõ ràng do tỷ lệ ủng hộ so với tỷ lệ không ủng hộ nhìn chung khá sít sao. Hiện vẫn có tới 60% cử tri chưa quyết định bỏ phiếu “đồng ý” hay “không đồng ý.” 

Nếu dự thảo hiến pháp mới được đa số cử tri chấp thuận, điều này sẽ giúp củng cố thêm quyền lực cho chính quyền quân sự ở Thái Lan. Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), vốn điều hành đất nước trong hơn hai năm qua kể từ cuộc đảo chính năm 2014, sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi một chính phủ mới được thành lập và đưa ra các đạo luật về tổng tuyển cử, cơ chế hoạt động của các đảng phái chính trị, thành lập ủy ban bầu cử,….

Dự kiến, toàn bộ quá trình này sẽ kéo dài từ 4 đến 5 tháng. Khi các đạo luật liên quan đến bầu cử được thông qua và có hiệu lực, cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức trong vòng 150 ngày. Theo giới phân tích, vai trò mới của Thượng viện được chính quyền quân sự bổ nhiệm có thể dẫn tới bất ổn chính trị mới. Phe phản đối có thể tận dụng cơ hội để chống lại hiến pháp mới và khi đó xung đột sẽ tái bùng phát.

Trong trường hợp dự thảo hiến pháp bị bác bỏ, bất ổn chính trị ngay lập tức có thể được dự báo do sự thiếu rõ ràng trong những bước đi tiếp theo. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định chính phủ sẽ xúc tiến lộ trình khôi phục dân chủ nếu bản dự thảo hiến pháp mới được cử tri “bật đèn xanh” đồng thời một “kế hoạch B” cũng được chuẩn bị trong trường hợp dự thảo bị bác bỏ.

Chính quyền quân sự có thể soạn thảo một bản hiến pháp mới và nhiều khả năng sẽ không có một cuộc trưng cầu ý dân nữa. Kịch bản này thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn hơn.

Dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 7/8 tới như thế nào thì tương lai chính trường Thái Lan vẫn khó lường và NCPO sẽ phải đối mặt với sức ép lớn. “Xứ chùa Vàng” sẽ không tránh khỏi nguy cơ bất ổn chính trị mới, song mức độ như thế nào sẽ phụ thuộc vào những gì NCPO thực hiện để quản lý và kiểm soát tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục