Cuba lùi thời điểm trình dự thảo nghị quyết chống cấm vận tại LHQ

Do những tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Cuba quyết định lùi thời điểm trình dự thảo nghị quyết chống cấm vận lên Hội đồng Bảo an LHQ đến tháng Năm năm sau.
Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 29/7, Chính phủ Cuba thông báo quyết định lùi việc đệ trình dự thảo nghị quyết chống lệnh cấm vận thường niên lần thứ 29 của nước này tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc tới tháng 5/2021, với lý do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới công việc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong thông cáo báo chí đưa ra cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba, bà Anayansi Rodriguez cho biết quyết định nói trên được đưa ra là để đối phó với những hậu quả “trực tiếp và thực tế” mà dịch COVID-19 gây ra đối với công việc tại trụ sở Liên hợp quốc.

Bà nhấn mạnh, Cuba sẽ không ngừng tố cáo chính sách cấm vận của Mỹ trong mọi tình huống có thể chừng nào lệnh phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính của Washington vẫn còn tồn tại, thậm chí còn leo thang trong thời điểm dịch bệnh hoành hành hiện nay.

Quan chức ngoại giao Cuba nêu rõ, không thể dự đoán được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại New York trong mùa Thu năm nay, trong khi các dự báo chỉ ra rằng sẽ số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trở lại, gây khó khăn cho hoạt động tại trụ sở Liên hợp quốc.

[Cuba dỡ bỏ mức thuế 10% với đồng USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế]

Bà Anayansi bày tỏ hy vọng với việc thay đổi lịch đệ trình nghị quyết, Cuba sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ chắc chắn và đông đảo của cộng đồng quốc tế vào tháng Năm năm sau.

Dự thảo nghị quyết không mang tính ràng buộc lên án chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đơn phương của Mỹ được Chính phủ Cuba đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc vào khoảng thời gian cuối tháng 10 và đầu tháng 11 hằng năm nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế bỏ phiếu yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận phi lý mà Washington áp đặt chống Cuba trong suốt hơn 60 năm qua.

Năm 2016, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã lần đầu tiên bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết này.

Đây là thời điểm quan hệ giữa hai nước có dấu hiệu tan băng sau khi hai nước chính thức nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 2015.

Tuy nhiên, quan hệ hai nước sau đó lại xấu đi với việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và thực thi các chính sách đảo ngược nỗ lực hàn gắn quan hệ với đảo quốc Caribe này của người tiền nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục