Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử thành công vào tháng 11 tới, đây sẽ là một viễn cảnh “tồi tệ nhất” cho mối quan hệ Cuba-Mỹ.
Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba (Minrex) Carlos Fernández de Cossío đưa ra lời khẳng định trên trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng AFP vừa qua.
Theo quan chức Cuba, một chiến thắng nữa của đảng Cộng hòa sẽ là kịch bản rất tiêu cực đối với La Habana, bởi vì đó ít nhất cũng là sự tiếp nối chính sách thù địch hiện tại chống lại Cuba.
Ông Fernández de Cossío tin rằng Tổng thống Trump sẽ có quan điểm và chính sách với Cuba thậm chí còn tiêu cực hơn trong nhiệm kỳ hai, đặc biệt nếu vị tổng thống này tiếp tục tin dùng những nhân vật có truyền thống chống Cuba ở những vị trí quyết định trong Chính phủ, trong cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao hay Hội đồng An ninh quốc gia, mà trong đó có thể kể ra Thượng nghị sỹ Marco Rubio và Hạ nghị sỹ Mario Diaz-Balart như những nhân vật diều hâu và “tích cực” chống chính phủ Cuba nhất.
Quan chức ngoại giao Cuba này cũng điểm lại, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã đảo ngược chính sách cởi mở với Cuba mà người tiền nhiệm Barack Obama đã tái thiết lập vào năm 2015, sau nửa thế kỷ đối đầu.
Trong năm 2019, lệnh cấm vận Cuba lại càng được thắt chặt với hàng chục động thái cản trở việc cung cấp dầu cho Cuba từ Venezuela, cản trở đầu tư, bật đèn xanh cho các vụ khiếu nại tư pháp đối với các tài sản quốc hữu hóa và cản trở các hoạt động thương mại và tài chính của La Habana.
Thậm chí, ngay cả trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), Washington vẫn liên tiếp leo thang căng thẳng với La Habana bằng làn sóng chỉ trích công khai việc Cuba gửi các phái đoàn y tế tới làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế tại 24 nước để đối phó với dịch bệnh.
Theo thống kê của chính phủ Cuba, trong hơn ba năm qua, Mỹ đã ban hành và áp dụng tổng cộng 191 biện pháp nhằm thắt chặt bao vây cấm vận kinh tế-tài chính-thương mại chống đảo quốc Caribe này.
Ông Cossío tái nhấn mạnh quan điểm của La Habana rằng bất chấp tất cả những thái độ và hành động thù địch này, Cuba không mong muốn một sự đổ vỡ trong mối quan hệ song phương với Mỹ, rằng “đó không phải là ý định của chúng tôi," song nếu điều này xảy ra, ông khẳng định “Cuba đã sẵn sàng cho điều đó."
[Cuba khẳng định hành động trên nguyên tắc qua lại ngoại giao với Mỹ]
Chính phủ của Tổng thống Trump đã làm “tê liệt” hoặc hủy bỏ nhiều thỏa thuận Cuba đạt được với cựu Tổng thống Obama, trong khi các quan chức Mỹ thì thường xuyên có những phát ngôn gây hấn chống lại chính phủ đảo quốc Caribe, bao gồm cả Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, bà Mara Tekach, người đang điều hành một cơ quan đại diện gần như trống rỗng và tê liệt sau cái được gọi ban đầu là những “cuộc tấn công sóng âm," rồi sau đó được đổi thành “những sự cố sức khỏe của các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba," sau khi không có bằng chứng hay cơ sở khoa học nào ủng hộ cho luận điệu “chụp mũ” đó của Washington.
Tuy nhiên, ông Fernández de Cossío đảm bảo rằng La Habana chưa bao giờ có ý định trả đũa nhằm vào các nhà ngoại giao thiếu thiện chí của Mỹ, thậm chí là dùng phương thức phổ thông trong các trường hợp này, như trục xuất họ.
Quan chức Cuba cho rằng một trong những đặc điểm của chính sách đối ngoại mà Mỹ sử dụng đối với Cuba trong thời điểm hiện tại là buộc các quan chức, bao gồm cả những người đã có sự nghiệp chính trị lâu dài, phải nói những lời dối trá một cách công khai. Và đó là những điều mà các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và chính Đại sứ quán Mỹ tại La Habana đang phải làm.
Về vụ tấn công khủng bố trực diện vào trụ sở của Đại sứ quán Cuba tại Washington hôm 30/4 vừa qua, mặc dù thủ phạm đã bị bắt giữ và bị xét xử ngay sau đó, Cuba cho tới nay vẫn chưa nhận được bất kỳ một sự liên lạc chính thức nào từ phía Mỹ.
Ông Fernández de Cossío khẳng định sự “im lặng đồng lõa” của chính phủ Mỹ về vụ việc là hành động mang tính “khuyến khích” các hành vi phi pháp và quá khích này, nối tiếp những chính sách và luận điệu thù địch mà Washington nhằm vào La Habana bấy lâu nay.
Nhà ngoại giao Cuba nhận định: “Người ta có thể cho rằng chính phủ Mỹ muốn tránh né việc 'làm lớn chuyện' để che đậy điều gì đó đằng sau sự việc, chẳng hạn như những mối quan hệ của chính phủ với chính đối tượng khủng bố đó hoặc với các tổ chức hay những người có quá khứ hoặc hành vi thù hận chống Cuba."
Ông cho biết rằng kể từ năm 1959, Mỹ, đặc biệt là tại bang Nam Florida, đã tiếp nhận hơn một triệu người di cư Cuba, và Miami đã trở thành “thánh địa” của các tổ chức phản cách mạng và chống lãnh tụ Fidel Castro, mà trong nhiều thập kỷ đã thực hiện nhiều hành động bạo lực phi pháp, cả công khai lẫn bí mật, nhắm vào tính mạng và tài sản của người dân Cuba.
Ông Fernández de Cossío nhấn mạnh, một khi “chiếc hộp Pandora” đó được mở ra, nó có thể hé lộ “nhiều mối liên kết (của Washington) với các tổ chức có nguồn gốc khủng bố Mỹ, những kẻ vẫn sống giữa sự bao dung của luật pháp, giữa sự đồng lõa và bảo vệ của chính phủ Mỹ," và kết luận “đây là cách duy nhất mà người ta có thể giải thích cho sự im lặng nhất quán này của Washington”./.