Với những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Cuba đã tiễn biệt năm 2020 vừa qua với mực sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 11%, sau khi chỉ số này đã chịu mức sụt giảm nhẹ 0,2% trong năm 2019. Mặc dù trước đó các hoạch định kinh tế đã đề ra một mức tăng trưởng khiêm tốn, song thực tiễn kinh tế đã cho thấy một điều rất khác.
Cho tới tháng 2/2020, lượng du khách quốc tế tới Cuba đã giảm 16%, trong khi vụ mía đường vừa thu hoạch có sản lượng cũng thấp hơn vụ mùa trước đó. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp Cuba vẫn tiếp tục đà sụt giảm từ năm 2016, xuất phát một phần từ quyết định giảm nhập khẩu và tiết kiệm năng lượng, còn ngành nông nghiệp cũng trải qua tình trạng tương tự. Do đó, các chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 chỉ quyết định quy mô của cuộc khủng hoảng, còn các xu hướng và biểu hiện của khủng hoảng vốn bắt nguồn từ những yếu tố điều kiện khác.
Những lực cản tăng trưởng cố hữu
Từ năm 2015, kinh tế Cuba đã ẩn chứa nhiều vấn đề cản trở tăng trưởng. Một mặt, môi trường bên ngoài của Cuba đảo chiều đáng kể theo hướng bất lợi, mà yếu tố đầu tiên là tình trạng suy thoái đã dự báo từ trước của nền kinh tế Venezuela. Nếu tính gộp cả hàng hóa và giá trị dịch vụ mà hai nước trao đổi (Cuba và Venezuela thường trao đổi trực tiếp hàng hóa và dịch vụ theo hiệp định, không tiến hành thanh toán bằng tiền), đã có thời điểm Venezuela chiếm tới 2/3 tổng giá trị trao đổi thương mại của Cuba, mức độ tập trung chưa từng có kể từ thập kỷ 1980.
Tương tự, sự pha trộn các tình thế bất lợi ngoài nước và các yếu tố liên quan tới năng lực cạnh tranh của Cuba đã gây ra xu hướng sụt giảm nguồn thu từ du lịch tới mức 20% trong giai đoạn 2017-2019 sau vài năm tăng trưởng liên tục trước đó. Dịch vụ y tế - nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Cuba trong nhiều năm - cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do những điều kiện mới của Chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro tại Brazil, thị trường trước đó từng mang lại ít nhất 250-300 triệu USD cho Cuba mỗi năm, cùng với việc bị hủy hợp đồng tại Ecuador và Bolivia do thay đổi lập trường chính trị mạnh mẽ tại mỗi nước.
Và cuối cùng, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp tung ra những đòn trừng phạt nhắm vào những hoạt động mang tính quyết định cho nguồn thu ngoại tệ của Cuba, như gửi kiều hối, đi lại giữa hai nước, dịch vụ tài chính nước ngoài và dịch vụ hàng không dân dụng.
Những diễn biến bất lợi của bối cảnh bên ngoài đó xảy ra đúng vào trạng thái “ngưng nghỉ” kéo dài (và đắt giá) từ năm 2016 của tiến trình “cập nhật mô hình” của Cuba. Trong những lĩnh vực nổi bật như phát triển hợp tác xã và các hình thức “lao động tự doanh,” trạng thái đình hoãn này thậm chí còn biến thành bước lùi rõ rệt với việc La Habana đưa những hạn chế bổ sung.
Mùa Hè năm 2016, Chính phủ Cuba tung ra một gói các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm thích nghi với việc nguồn nhiên liệu do Venezuela cung cấp bị sụt giảm mạnh. Năm đó, La Habana thông báo trước về khả năng sụt giảm GDP, dù cuối cùng đạt được mức tăng trưởng được cho là ở mức yếu 0,5%. Tháng 10/2019, Cuba chỉ có thể thực hiện được một phần việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn vốn đã được tái cấu trúc và cắt giảm phần lớn với Câu lạc bộ Paris, cùng với việc không thể hoàn thành những cam kết tài chính với các nhà cung cấp và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Cuba.
Lần này, tình trạng trì trệ kinh tế và thắt chặt các điều kiện tài chính từ bên ngoài đồng hành với việc suy giảm những chỉ số kinh tế vĩ mô, như thâm hụt ngân sách và tỷ trọng giữa tiền mặt lưu thông với GDP. Những biến thiên của các chỉ số này giúp những nhà quan sát hiểu được sức ép lạm phát đang bộc lộ trong nền kinh tế Cuba hiện tại. Đáng tiếc giờ đây, đảo quốc Caribe không có những công cụ cần thiết để đối phó với sức ép đó, ngoại trừ việc kiểm soát giá cả theo cách hành chính - yếu tố chỉ càng làm tăng tình trạng thiếu hụt hàng hóa và gia tăng hoạt động tại “chợ đen.”
[Cải cách hệ thống tiền tệ của Cuba chính thức có hiệu lực]
Trong năm 2020, bộ máy ra quyết sách của Cuba đã bộc lộ rõ tính bất ổn và thiếu chiều sâu của mình. Chỉ có trong hoàn cảnh ngoại lệ như năm 2020, La Habana mới thông qua sáng kiến “Chiến lược kinh tế-xã hội để thúc đẩy kinh tế và đối phó khủng hoảng thế giới do đại dịch COVID-19,” trong đó bao gồm nhiều đề xuất và nội dung đã có trong các văn kiện chính trị chủ chốt trước đó.
Kể từ đó, Chính phủ cho phép thành phần tư nhân được tham gia hoạt động ngoại thương, và chuẩn bị triển khai 15 biện pháp nhằm cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, linh hoạt hóa hoạt động mua bán các sản phẩm nông nghiệp, nới lỏng những hạn chế đối với các tác nhân mới của nền kinh tế và cuối cùng là thông báo về việc thống nhất hai đồng tiền và các tỷ giá hối đoái hay “nhiệm vụ bình ổn tiền tệ.” Tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh Nhà nước mở rộng xu hướng USD hóa một phần nền kinh tế và tình trạng thiếu hụt hàng hóa ngày càng trầm trọng.
Nhưng ngay cả như vậy, những bước chuyển biến được đưa ra vẫn thấp hơn kỳ vọng và nhu cầu thực tế về các biện pháp mang tính cấu trúc để đánh thức một nền kinh tế đã “ngủ đông” từ vài thập kỷ qua. Những thay đổi có tác động và hiệu quả lớn hơn như việc mở rộng hoạt động cho giới lao động tự doanh, cấp phép thành lập cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, hay cải tổ sâu sắc doanh nghiệp nhà nước, vẫn mắc kẹt trong những khái niệm luật pháp mơ hồ và những trì hoãn hành chính vô tận.
Vai trò của khối “lao động tự doanh”
Trong hoàn cảnh tồi tệ nhất có thể tưởng tượng được, Chính phủ Cuba quyết định tiến hành bước đi “bình ổn tiền tệ,” mà không nghi ngờ gì biện pháp phức tạp nhất tới nay La Habana tiến hành. Theo cách nhìn phổ biến trong giới cầm quyền hiện tại thì đây là bước đi để phá thế bế tắc và dọn đường cho những bước cải cách tiếp theo.
Trái với những đề xuất từ đa phần giới chuyên gia, Chính phủ Cuba quyết định triển khai biện pháp này trước khi tiến hành các cải cách cấu trúc khác từng được đề cập và có thể cho phép nền kinh tế quốc gia đối phó một cách linh hoạt và hiệu quả hơn với những tác động xã hội to lớn mà cuộc cải cách “giá-lương-tiền” hiện tại đang gây ra.
Tất nhiên, việc linh hoạt hóa các hoạt động của thành phần kinh tế tư nhân và hợp tác xã không phải là giải pháp toàn năng cho tất cả các vấn đề kinh tế Cuba, nhưng ít nhất thành phần này có thể mang lại hai tác dụng cho công cuộc “cập nhật” mô hình mà thành phần nhà nước không thể.
Đầu tiên là việc khối “lao động tự doanh” có thể tạo ra việc làm hữu ích với tốc độ cao hơn nhiều so với phần còn lại của nền kinh tế, điều đặc biệt quan trọng trong thời điểm khủng hoảng kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp quốc doanh cũng như các bộ phận khác của bộ máy nhà nước.
Và họ có thể làm điều này nhờ ba nguyên nhân chủ chốt. Những yêu cầu về vốn của người lao động tự doanh nhìn chung thấp hơn mức đòi hỏi đối với các đơn vị trong thành phần khác có cấu trúc lớn hơn và quan liêu hơn và thành phần lao động tự doanh có thể huy động được tích lũy tiết kiệm trong và ngoài nước từ các nguồn không chính quy mà các tổ chức doanh nghiệp nhà nước không thể tiếp cận được và nằm ngoài các kế hoạch của Chính phủ.
Thứ hai, thành phần này chủ yếu trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp nhà nước thường cung cấp dịch vụ chất lượng thấp, đặc biệt là các dịch vụ cho cá nhân hay cho hộ gia đình, nơi vẫn có một khối lượng lớn nhu cầu bị “nén lại.” Và cuối cùng, thành phần tự doanh được hưởng lợi từ một hệ thống cung ứng vật tư không chính quy, rất linh hoạt.
Thêm vào đó, quy mô tương đối nhỏ của mỗi nhân tố trong thành phần này cho phép họ một mặt linh hoạt hơn trong việc phản ứng lại với những thay đổi của môi trường kinh doanh và mặt khác, một khi mỗi nhân tố này rời khỏi đời sống kinh tế thì không gây ra một đe dọa mang tính hệ thống nào. Cần nhớ rằng yếu tố cuối cùng này thường xuyên được viện dẫn để Chính phủ duy trì hỗ trợ hầu như không giới hạn cho những doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, thậm chí không khả thi về mặt kinh tế.
Tác dụng thứ hai mà thành phần tự doanh hay đúng hơn là tư nhân có thể mang lại cho quá trình “cập nhật mô hình” là họ có thể trở thành một công cụ then chốt cho việc cải thiện các chỉ số vĩ mô như thâm hụt tài chính hay lạm phát. Hãy xem xét cơ chế vận hành sau: Việc tạo thêm việc làm và gia tăng mức độ hoạt động giúp khối tự doanh có thể tăng phần thuế đóng góp, giúp Nhà nước tăng thu nhập từ nguồn này. Nếu những việc làm mới trong khu vực tư nhân mang lại độ linh hoạt cao hơn cho các quan chức trong nhiệm vụ tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, cắt giảm bớt được những trợ cấp mà các đơn vị này đang nhận, đồng nghĩa với việc giảm được phí tổn cho ngân sách nhà nước.
Điều này là hoàn toàn hợp lý nếu số lượng việc làm được tạo ra đủ lớn và giúp giảm tình trạng bất hợp pháp hay không đăng ký của khối tự doanh và tăng tỷ trọng người tham gia hoạt động kinh tế. Việc vận động nguồn tiết kiệm trong dân chúng và nằm ngoài hệ thống ngân hàng giúp Cuba có thêm nguồn đầu tư vào sản xuất. Điều này giúp giảm bớt nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ đầu cuối, chuyển lượng vốn dùng cho tiêu thụ sang đầu tư cho tương lai và tạo ra nguồn cung liên quan tới thu nhập hiện tại. Ngoài ra, cạnh tranh lớn hơn trong các lĩnh vực nơi thành phần tự doanh hoạt động sẽ góp phần bình ổn giá cả một cách tự nhiên và giảm sức ép lạm phát.
Chu kỳ được mô tả ở trên đòi hỏi những chuyển đổi mà La Habana, ít nhất tới lúc này, đã xếp sang một bên. Nếu triển khai những chuyển đổi này và để cho chúng đi dần vào thực tiễn, các điều kiện vĩ mô của Cuba sẽ thuận lợi hơn rất nhiều để triển khai cuộc cải cách “giá-lương-tiền” hiện tại. Bất chấp việc Chính phủ đã mất vài năm để soạn thảo đề xuất cải cách đang được triển khai, một số khía cạnh bất hợp lý trong thực tiễn có thể bóp méo những mục tiêu chính đã được tuyên bố và cần được chú ý.
Trong số các nhân tố này có thể kể tới việc khả năng quy đổi của đồng nội tệ vẫn ở mức thấp (trước đây phải đổi qua đồng tiền trung gian là CUC hiện đã bị xóa bỏ) khi hoạt động thương mại và dịch vụ trực tiếp bằng đồng USD (qua thẻ tín dụng) ngày càng được mở rộng; sự quan tâm chưa đúng mức tới sự tồn tại của thị trường hối đoái trái phép và hiệu ứng tiêu cực của hoạt động này tới việc định hình giá cả và nạn lạm phát; việc ít coi trọng của thành phần tư nhân đối trong các trụ cột cơ bản của đề xuất cải cách tiền tệ hiện tại, bao gồm việc tính toán Giỏ hàng hóa và dịch vụ tham chiếu - bản thân phép tính này lấy giai đoạn tham chiếu là tháng 6/2019, trong khi các điều kiện kinh tế và đặc biệt là giá cả đã thay đổi đáng kể cho tới ngày bắt đầu bắt đầu triển khai cải cách (1/1/2021), chưa kể bản thân đề xuất cải cách cũng bao gồm việc tăng mạnh giá cả nhiều dịch vụ thiết yếu mà tới nay Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh; hay tính phi thực tế của thời hạn quy định tối đa 1 năm cho các doanh nghiệp nhà nước thích nghi với khung cảnh mới, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng các nguồn vốn đầu tư và nền kinh tế đang phục hồi từ một đợt suy thoái sâu.
Do những hiệu ứng tích cực của quyết định cải cách vừa qua chỉ có thể tới sau một khoảng thời gian nhất định và phụ thuộc vào những biện pháp đi kèm, tổng lượng của cải ở thời điểm ban đầu này chưa có mấy thay đổi. Do đó, bất kỳ việc gia tăng sức mua của một nhóm dân chúng nào cũng là không đáng kể (bất kể việc La Habana tăng gấp 5 lần lương cho người lao động quốc doanh và kiểm soát giá cả) hoặc đổi bằng sự sụt giảm sức mua của một bộ phận dân chúng khác.
Ngoài ra, chúng ta cũng không thể chờ đợi việc thay đổi mang tính mệnh giá (cải cách tiền tệ) có thể giải quyết một cách đơn lẻ và ngay lập tức các vấn đề về cấu trúc như hiện trạng “kim tự tháp lộn ngược” trong cấu trúc lực lượng lao động hay tâm lý khá phổ biến trì trệ, ỷ lại và không quan tâm tới công việc.
Trong bối cảnh đó, chắc chắn năm 2021 sẽ là giai đoạn của những định nghĩa trong thực tiễn cuộc cải cách kinh tế của Cuba. Và thậm chí có thể còn hơn thế nữa./.