Ba vòng gần nhất, Hải Phòng thua một, hòa một, chỉ giành một chiến thắng, được 4/9 điểm tuyệt đối. Dù vậy, họ vẫn dẫn đầu V-League với cách biệt lớn so với nhóm bám đuổi. Hải Phòng đứng đầu không phải vì họ quá mạnh mà bởi các đối thủ đều đang gặp vấn đề.
Điểm số chưa phản ánh đúng thực lực
Các thống kê nói rằng: Hải Phòng mạnh nhưng không phải là vô đối. Đội bóng đất cảng hiện có 32 điểm sau 14 trận, giành trung bình 2,2 điểm/trận - cao nhưng không quá ấn tượng. Hàng phòng ngự của họ mới để lọt lưới 10 lần - mạnh nhất giải đấu, nhưng hàng công chơi không quá ấn tượng.
Sau 14 trận, Hải Phòng mới có 24 bàn, chỉ xếp thứ ba V-League. Tốp ba chân sút tốt nhất giải đấu không có người nào của Hải Phòng. Phong độ của họ cũng khá trồi sụt trong quãng thời gian gần đây. Bốn trận gần nhất trước các đội tốp đầu là Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa và Becamex Bình Dương, Hải Phòng không giành nổi một chiến thắng và phải chịu tới ba thất bại.
Danh sách bại tướng của họ từ đầu mùa phần lớn tới từ nhóm cuối bảng. Đó là XSKT Cần Thơ, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tháp, QNK Quảng Nam... Cách biệt về điểm số trên bảng xếp hạng không phản ánh đúng thực lực của họ. Đối mặt với những đại gia thực sự, Hải Phòng vẫn thể hiện được uy thế của kẻ dẫn đầu.
Đương nhiên, Hải Phòng cũng có những điểm mạnh. Tuyến phòng ngự của họ mạnh nhất giải đấu, với sự tập trung của Lê Văn Phú và sự khéo léo trong các tình huốngra vào của thủ thành Đặng Văn Lâm. Cùng bộ đôi tiền vệ phòng ngự Quốc Trung - Khánh Lâm và khả năng phát bóng siêu mạnh của Văn Lâm, Hải Phòng có điều kiện lý tưởng để sử dụng lối chơi phòng ngự phản công sở trường.
Đội hình của họ rất đồng đều và không phụ thuộc vào cá nhân nào. Errol Stevens đã có 9 bàn từ đầu mùa nhưng sau lưng anh, 6 cái tên khác đã ghi bàn. Trong số đó, Lê Văn Thắng và Lê Xuân Hùng đều đã có 4 bàn.
Đội bóng đất cảng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất với những thất bại liên tiếp ở cuối lượt đi. Bây giờ, họ chỉ cần giữ phong độ và duy trì cách biệt. Vấn đề là những đối thủ của họ sẽ thi đấu thế nào trong quãng đường còn lại?
Không có đối thủ xứng tầm?
Hải Phòng hiện chỉ hơn vị trí thứ hai của SHB Đà Nẵng 5 điểm, hơn vị trí thứ năm của Than Quảng Ninh 9 điểm trong khi mùa bóng còn tới 12 vòng đấu. Cách biệt là không nhiều nhưng tất cả đối thủ của Hải Phòng đều đang có vấn đề về phong độ.
Hà Nội T&T là đội có thực lực nhất trong nhóm bốn cái tên phía sau. Nhưng đội bóng thủ đô đang thể hiện một phong độ khá phập phù. Bằng chứng là trận hòa 1-1 trước Long An vòng vừa qua. Một đội bóng đã đôn lên hàng chục cầu thủ trẻ, thay ba huấn luyện viên trong một mùa và đang kém ngôi đầu tới 9 điểm khó lòng vươn tới ngôi vương.
Cũng có nhiều ngôi sao như Hà Nội T&T là FLC Thanh Hóa. Đây cũng là đội bóng sở hữu hàng công “khủng” nhất giải đấu với 29 bàn kể từ đầu mùa. Điểm trừ của họ nằm ở tuyến phòng ngự. Lọt lưới tới 19 bàn không phải là thống kê của một nhà vô địch.
Bằng điểm với Hà Nội T&T, Than Quảng Ninh đang có 23 điểm. Họ phòng thủ tệ gần bằng Thanh Hóa (thua 18 bàn) và tấn công kém cả Sông Lam Nghệ An (ghi được 20 bàn). Hiệu số hiện tại của Than Quảng Ninh chỉ là +2, tệ nhất trong nhóm chín đội dẫn đầu. Với những con số khiêm tốn ấy, Than Quảng Ninh có tên trong tốp 5 đã là điều khó tin.
Đương kim vô địch Becamex Bình Dương thậm chí không đáng được nhắc tới trong cuộc đua này. Anh Đức và đồng đội hiện đã kém Hải Phòng tới 12 điểm, quá mệt mỏi vì phải chinh chiến trên cả ba đấu trường và không còn động lực sau hai năm đầy ắp vinh quang.
Trong cuộc chiến bá vương, SHB Đà Nẵng nổi lên như là kẻ thách thức số một. Nhưng điểm mạnh nhất của họ - Gaston Merlo, cũng đồng thời là điểm yếu nhất. Chân sút người Argentina đã ghi tới 11 bàn, chiếm quá nửa tổng số pha lập công của đội bóng. Chỉ cần anh vắng mặt vài trận, SHB Đà Nẵng sẽ biết rằng sự phụ thuộc vào cá nhân là điều tồi tệ như thế nào trong cuộc chiến đường dài./.