Liên quan đến phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về việc hàng chục ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29, khu vực giáp ranh giữa xã Cư M’lan (huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị phá trắng để lấn chiếm, sang nhượng trái phép đất dọc quốc lộ, Cục Kiểm Lâm vừa có văn bản số 162/KL-DN yêu cầu Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk điều tra, xác minh thông tin về tình trạng phá rừng.
Văn bản nêu rõ Cục Kiểm lâm nhận được thông tin về tình trạng phá rừng dọc quốc lộ 29 được đăng trên báo Tin Tức của TTXVN.
Để kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý tình trạng nêu trên, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV, kiểm tra, xác minh tình trạng phá rừng trái phép dọc quốc lộ 29 khu vực giáp ranh huyện Ea Súp và Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk.
Nếu phát hiện vi phạm thì lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và có báo cáo với Cục Kiểm lâm bằng văn bản.
[Đắk Lắk điều tra vụ phá rừng tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar]
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk Trương Văn Trưởng cho biết, sau khi các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh rừng bị tàn phá, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp kiểm tra và xác định vị trí rừng bị phá thuộc khoảnh 4, tiểu khu 296, lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý.
Chủng loại chủ yếu của cây bị cắt bằng cưa xăng là cây dầu, cà chít, chiêu liêu. Chiều cao của các gốc cây bị cắt là từ 30 đến 70cm, đường kính gốc bị cắt từ 15cm đến 20cm, thảm thực bì ở khu vực rừng bị đốn hạ đã được đốt cháy.
Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh; đồng thời chỉ đạo Hạt kiểm lâm hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp thiết lập hồ sơ, xử lý vụ phá rừng tại tiểu khu 296, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát để xảy ra phá rừng, không kịp thời ngăn chặn xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trương Văn Trưởng, đến thời điểm hiện tại Công an huyện Ea súp đã hoàn thành khám nghiệm hiện trường phá rừng thuộc khoảnh 4, tiểu khu 296, xác định lại diện tích rừng bị phá là 10,621ha.
Hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Ea Súp) đã ban hành Quyết định số 65/QĐTCGĐ-CQĐT, trưng cầu giám định vụ việc, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 23/3, Thông tấn xã Việt Nam phản ánh hàng chục ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29, khu vực giáp ranh giữa xã Cư M’lan huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn bị phá trắng để lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép dọc quốc lộ.
Việc người dân ngang nhiên chặt phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng, xây công trình nhà ở trái phép trên đất rừng dọc Quốc lộ 29 diễn ra trong một thời gian dài nhưng không có cơ quan, đơn vị nào phát hiện, kiểm tra, xử lý; nguy cơ rừng tiếp tục bị "chảy máu" và đất rừng bị mua bán, sang nhượng trái pháp luật lan rộng.
Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.