Cùng đi "lòng vòng", Nga-Nhật lỡ hẹn thu hẹp bất đồng

Hai nước cam kết sẵn sàng phát triển quan hệ song phươn, tìm kiếm giải pháp cho những “vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu," song không có bất cứ tuyên bố cụ thể nào cho thấy có sự giảm bớt bất đồng.
Cùng đi "lòng vòng", Nga-Nhật lỡ hẹn thu hẹp bất đồng ảnh 1Một góc quần đảo tranh chấp mà phía Nga gọi là Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc ngày 12/12/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Thương gia (Nga) số ra ngày 1/8 có bài bình luận về cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nga-Nhật theo cơ chế "2+2" diễn ra tại Moskva hôm 31/7 vừa qua.

Nội dung như sau:

Kết thúc đàm phán, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Ngoại giao hai nước Nga và Nhật Bản cùng cam kết sẵn sàng phát triển quan hệ song phương và tìm kiếm giải pháp cho những “vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.”

Tuy nhiên, không có bất cứ tuyên bố cụ thể nào cho thấy có sự giảm bớt bất đồng vốn đang tồn tại giữa hai nước.

Nhật Bản vẫn phản đối việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại quần đảo hiện do Moskva kiểm soát và gọi là Nam Kuril, trong khi Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Moskva bác bỏ lập trường của Tokyo về vấn đề Triều Tiên.

Chính vì vậy, lập trường hai bên xích lại gần nhau đang được hy vọng tại cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn kinh tế phương Đông diễn ra vào tháng 9 tới ở Vladivostok.Trước khi bước vào cuộc đàm phán chung, lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Nga-Nhật đã có các cuộc gặp riêng.

Phát biểu mở đầu cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chúc mừng người Nhật có “màn trình diễn rất đáng khen” tại World Cup 2018.

Đáp lại, Ngoại trưởng Kono nhắc lại: “Chúng ta đã nói rằng chúng ta sẽ gặp nhau trong trận chung kết, nhưng điều đó đã không xảy ra”, đồng thời bày tỏ hy vọng hai nước sẽ gặp nhau trong trận chung kết Giải vô địch bóng bầu dục thế giới diễn ra tại Nhật Bản trong năm 2019.

Nhắc đến việc cả ông nội và bố của Ngoại trưởng Kono từng đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Lavrov cho biết: “Chúng ta đã gặp nhau tại tòa nhà này vào tháng 12/2017, nơi hơn 60 năm trước ông của Ngài đã dừng chân, tham gia khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Liên Xô. Sau đó, gần 20 trước cũng tại tòa nhà này, những người tiền nhiệm của tôi đã tiếp bố của Ngài với tư cách là Ngoại trưởng Nhật Bản.”

Ngoại trưởng Nga đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực cá nhân của Ngài nhằm phát triển quan hệ song phương trên tinh thần những truyền thống gia đình vinh quang của Ngài.”

Về phần mình, Ngoại trưởng Taro Kono ngay lập tức chuyển sang chủ đề mà trước đó, ông nội và bố của ông, và giờ đến lượt bản thân ông, đều coi là quan trọng: “Tôi muốn trao đổi ý kiến thẳng thắn về quan hệ song phương ưu tiên những vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình.”

Nga và Nhật Bản hơn 70 năm vẫn chưa thể ký kết được văn kiện nói trên do tranh chấp quần đảo Nam Kuril. Hơn nữa, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng nhấn mạnh mong muốn thảo luận “vấn đề hoạt động kinh tế chung tại 4 hòn đảo.”

Tuy nhiên, đến nay cơ chế pháp lý chung về hoạt động kinh tế tại các hòn đảo tranh chấp vẫn chưa được soạn thảo, trong khi hoạt động kinh tế phát triển chậm hơn mong đợi của Moskva và Tokyo.

Theo ông Sergei Lavrov, từ ngày 16-20/8, phái đoàn thứ 3 doanh nhân Nhật Bản sẽ có mặt tại quần đảo Kuril với sự tham gia của các đối tác Nga. Trong khi đó, ông Taro Kono nhấn mạnh mong muốn của hai nước “nhanh chóng đưa công ước xóa bỏ đánh thuế hai lần vào thực hiện."

[Lãnh đạo Nga, Nhật Bản nhất trí hướng tới hiệp định hòa bình]

Về chủ đề khai thác quần đảo Kuril, hai bên đang chờ đợi tiến triển mới vào đầu tháng 9 khi Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe gặp nhau tại Diễn đàn kinh tế phương Đông.

Dmitry Streltsov, Phó trưởng khoa Đông phương học của Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), cho rằng hiện vẫn chưa thấy rõ ý chí chính trị nghiêm túc của cả hai bên về phát triển các dự án tại quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Đã 3 năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe công bố Chương trình phát triển hợp tác với Nga (gồm 8 điểm), hai bên đã đi vòng tròn và quay lại trạng thái như trước đây: không có mối quan tâm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc chỉ diễn ra khi ông Abe ép buộc ai đó." 

Ông Streltsov cũng cho rằng hiện người Nhật chưa có mong muốn cháy bỏng đầu tư vào vùng lãnh thổ đang có tranh chấp này. Ông giải thích thêm: "Thủ tướng Abe có thể cung cấp tài chính cho các dự án từ Quỹ quốc gia nhưng đồng thời cũng phải trả lời cử tri về việc sử dụng số tiền này. Cử tri Nhật Bản sẽ hài lòng nếu khoản đầu tư này cho phép lấy lại quần đảo Kuril, nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại chương trình nghị sự hợp tác song phương đã bị co lại còn rất ít."

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Isunori Onodara cho biết tại cuộc đàm phán theo cơ chế “2+2” lần này, chủ đề quần đảo Kuril và khía cạnh tăng cường hiện diện quân đội của Nga tại quần đảo Kuril đã được đề cập.

Trước đó, Tokyo nhiều lần chỉ trích chương trình xây dựng quân sự của Nga tại quần đảo Kuril, cũng như tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực giống như các cuộc tập trận diễn ra vào tháng 6 trên đảo Iturup.

Xét sự thể hiện trên khuôn mặt của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông dứt khoát không tán thành với lập trường của ông Onodara.

Theo giới phân tích, Nhật Bản cho rằng bất đồng giữa Tokyo và Moskva về chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng là nguyên nhân khiến hai bên thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.

Tại cuộc họp báo chung, bộ trưởng hai nước chỉ đưa ra những câu nói chung chung như: "Chúng tôi nhất trí tiếp tục phối hợp hành động để đạt được mục tiêu chung của hai nước, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên."

Tuy nhiên, vấn đề gây áp lực trừng phạt Bình Nhưỡng thì hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang giữ lập trường riêng về việc triển khai một phần hệ thống "lá chắn tên lửa" toàn cầu của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Bộ trưởng Isunori Onodara, không ai tin rằng đến một lúc nào đó Triều Tiên sẽ giải giáp hạt nhân thực sự. Vì vậy việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản trong thời gian tới.

Moskva không hiểu được sự lo lắng của Tokyo về mối đe dọa xuất phát từ Triều Tiên. Do có sự khác biệt trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên nên để có được một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Nga và Nhật Bản ở thời điểm hiện tại là rất khó xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục