Trong năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều công ty từ bỏ website của họ để tiết kiệm chi phí, đổ toàn lực vào việc sáng tạo nội dung truyền thông, rồi để việc trình bày và phân phối cho các nền tảng bên ngoài.
Nhận định này được đưa ra trong bài viết đăng trên trang NiemanLab của Burt Herman, đồng sáng lập của cả mạng xã hội Storify cũng như mạng lưới kết nối các nhà báo và kỹ sư công nghệ Hacks/Hackers.
Theo bài viết, mới cách đây không lâu, Facebook giới thiệu Instant Articles. Và vào năm tới, Google sẽ tung ra bản open-source của riêng mình, gọi là Accelerated Mobile Pages (AMP).
Cho tới nay, người ta chủ yếu nói về chuyện các nền tảng này sẽ giúp cho việc xem tin tức trên mobile trở nên nhanh chóng, nhưng thực tế còn có nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn nữa. Bởi những dự án này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh, từ tương lai của cái mà chúng ta gọi là “câu chuyện,” cho đến nền tảng mà một nội dung truyền thông chất lượng cao tồn tại và cách thức người ta trả tiền để tiếp cận nội dung đó.
Dự kiến vào năm 2016, cả hai tiêu chuẩn kể trên sẽ đều được các nhà xuất bản tin tức chấp thuận sử dụng rộng rãi. Và điều đó nghĩa là nhiều độc giả sẽ thấy chẳng có lý do gì để vào các website chậm rì của các nhà xuất bản tin tức để đọc cùng câu chuyện đó. Thực tế này khiến các nhà xuất bản tin tức đứng trước hai lựa chọn: trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào một nền tảng phát hành khác hoặc tạo ra một sản phẩm tốt hơn.
Trong năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều công ty từ bỏ website của họ để tiết kiệm chi phí, đổ toàn lực vào việc sáng tạo nội dung truyền thông, rồi để việc trình bày và phân phối cho các nền tảng bên ngoài. Điều này giống như một phiên bản hiện đại của hãng tin Mỹ Associated Press. Khi các công ty truyền thông này “xuất bản” thông qua các API - giao diện lập trình ứng dụng - họ sẽ cần phải học cách xử lý các nội dung mà họ tạo ra để có thể đẩy lên nhiều thiết bị khác nhau vào thời điểm phù hợp và trong ngữ cảnh phù hợp, được cá nhân hóa cho người dùng cuối.
Trong các công ty truyền thông đi theo hướng này, sẽ có một chức danh công việc mới rất hấp dẫn là “platform partnerships manager” - phụ trách đối tác nền tảng, tức là người đóng vai trò kết nối giữa bộ phận nội dung, công nghệ và các đối tác bên ngoài.
Đối với những công ty đi theo lựa chọn thứ hai - tức là xây dựng một sản phẩm digital tốt hơn - thì sẽ phải xây các nền tảng của riêng mình, và đây sẽ là một xu hướng phát triển mạnh trong năm 2016. Điều đó nghĩa là phải biến độc giả thành những người sử dụng, và khán thính giả thành các cộng đồng.
Các công ty truyền thông chọn con đường này nhận thức rằng thương hiệu của họ không chỉ là nội dung họ tạo ra, mà là cộng đồng mà họ có thể tạo dựng nên. Họ sẽ chuyển sang sử dụng thước đo về độ trung thành và tương tác của người dùng nhiều hơn. Các chỉ số trước đây như pageview sẽ phải nhường cho con số về người sử dụng hoạt động thực sự mỗi ngày và mỗi tháng.
Chức danh công việc mới hấp dẫn ở những công ty này sẽ là người quản lý sản phẩm - product manager - người sẽ là trái tim của các tổ chức truyền thông, nơi bộ phận biên tập và kinh doanh sẽ cùng hội tụ để sáng tạo nên những sản phẩm tốt hơn.
Rồi chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến khốc liệt mới - cuộc chiến của các nền tảng - và chờ xem liệu các nhà xuất bản tin tức có thể tạo ra thách thức đủ lớn để đương đầu với các ông lớn công nghệ hay không. Chiến thuật của họ sẽ không phải là giành giật về số lượng khán thính giả ở bình diện lớn, mà là tấn công vào những lĩnh vực sở trường, nơi người dùng có thể tìm được nhiều giá trị hơn trong một cộng đồng gắn kết mà họ không có được ở các mạng xã hội phổ biến./.