Sự hung hăng của Trung Quốc khiến các cuộc đàm phán giữa ASEAN và nước này về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC đi vào bế tắc. Và sự hung hăng đó sẽ càng tăng hơn khi Mỹ tiến hành các hoạt động hiện diện quân sự ở trong khu vực nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trên đây là quan điểm của học giả Ấn Độ, Tiến sĩ Dr Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Quỹ nghiên cứu quốc tế Kalinga International Foundation.
VietnamPlus xin giới thiệu bài viết này tới độc giả.
Đầu tháng này, lực lượng hải quân và hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận trên biển bao gồm các hoạt động tấn công đổ bộ (Bãi đáp trực thăng loại số 071) tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc đã có thông báo qua trang web chính thức về việc tổ chức tập trận quân sự từ ngày 1-5/7.
Cuộc tập trận đã thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố những cuộc tập trận này là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”; Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng đây là những hành động “mang tính khiêu khích cao”; Bộ Quốc phòng Mỹ gọi các cuộc tập trận này là “một chuỗi hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những yêu sách hàng hải phi lý và gây bất lợi cho các nước láng giềng tại Biển Đông.”
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả, cáo buộc “một số nước ngoài khu vực thường xuyên tìm mọi cách để tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm phô trương sức mạnh,” nhấn mạnh đây là nguyên nhân cho sự bất ổn trên Biển Đông.
[Việt Nam phản đối Trung Quốc điều tàu chiến, máy bay tới Trường Sa]
Các cuộc tập trận trên diễn ra sau khi Trung Quốc triển khai nhóm lực lượng hải quân Trung Quốc bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tàu hộ tống tên lửa dẫn đường.
Nhóm này hoạt động ngoài khơi vùng biển phía Đông Đài Loan và khu vực Biển Đông, thực hiện nhiều cuộc tập trận quân sự. Có thể thấy rõ rằng những cuộc tập trận đó được triển khai khá gần khu vực nơi tàu hải quân Mỹ đang “thực hiện các hoạt động bay.”
Có ít nhất ba lý do cho hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đầu tiên, Trung Quốc bị choáng ngợp trước khả năng triển khai một lực lượng khổng lồ từ bờ Tây Thái Bình Dương tới khu vực trong chỉ một thời gian ngắn của Mỹ, mặc dù hải quân Mỹ đang phải “vật lộn” với đại dịch COVID-19 trên các tàu sân bay.
Trung Quốc bực bội khi Mỹ nhanh chóng triển khai ba tàu sân bay và hai nhóm tàu sân bay tấn công. Không quân Mỹ thực hiện các hoạt động bay trên Biển Đông, Đài Loan và eo biển Bashi, trong khi các tàu ngầm của Mỹ đang ẩn nấp ở đâu đó tại bờ Tây Thái Bình Dương.
Thứ hai, các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc đều sử dụng tàu vận tải đổ bộ loại 071. Do đó, đây có thể được coi là một nỗ lực huấn luyện và tăng cường khả năng “A2/AD” (chống tiếp cận/chống xâm nhập) nhằm chống lại bất kỳ động thái đổ bộ nào của Mỹ vào các đảo và thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Cơ cấu lực lượng Thủy quân lục chiến Trung Quốc đã được mở rộng từ khoảng hai lữ đoàn (10.000 lính) trên một đơn vị địa lý hoặc phái bộ hỗ trợ tấn công đổ bộ và phòng thủ trên Biển Đông lên tới bảy lữ đoàn vào năm 2020, nhằm thực hiện các nhiệm vụ ngoài biên giới Trung Quốc.
Vấn đề này càng được chú trọng hơn trong bối cảnh Mỹ đã và đang củng cố khả năng đổ bộ cũng như chiến đấu trên đảo thông qua các cuộc tập trận nhảy dù tại đảo Guam.
Thứ ba, các cuộc tập trận cũng là một lời cảnh báo tới các nước ASEAN nhằm ngăn cản họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ để chống lại Trung Quốc.
Rõ ràng, Trung Quốc đang nổi giận bởi sức mạnh hiện tại của Hải quân nước này đang dừng lại ở mức 360 tàu, dự kiến sẽ tăng lên 400 tàu chiến vào năm 2025 và 425 tàu vào năm 2030, song vẫn còn kém Mỹ 50 tàu.
Sự cưỡng ép thường xuyên của Trung Quốc với những bên tranh chấp khác tại Biển Đông đang gây lo ngại cho các thành viên ASEAN.
Sự cưỡng ép này bao gồm cả những hoạt động về hành chính lẫn thực địa như tiếp tục cải tạo các thực thể và quân sự hóa Biển Đông; tuyên bố vùng Biển Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đặt tên cho 80 hòn đảo và các thực thể khác trong vùng biển tranh chấp với Philippines và Việt Nam; quấy rối ngư dân Việt Nam và Philippines, thậm chí đánh chìm một tàu cá Việt Nam; cố tình chĩa súng radar vào tàu của Hải quân Philippines trên vùng biển Philippines; vụ việc tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 9) tại vùng đặc quyền kinh tế Malaysia và một loạt các vụ việc khác liên quan vi phạm nhân quyền đối với thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc.
Đây là những dấu hiệu báo động tình trạng an ninh ngày càng xấu đi tại Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc dường như không có ý định dừng các hành động gây hấn.
Không có gì ngạc nhiên khi niềm tin vào Trung Quốc của một số nước thành viên ASEAN đã giảm sút.
Tuyên bố Chủ tịch tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 26/6/2020 thể hiện rõ sự thất vọng của ASEAN đối với Bắc Kinh.
Tuyên bố đặc biệt bày tỏ quan ngại về tình trạng cải tạo, quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng những diễn biến, hoạt động, sự cố nghiêm trọng gần đây đã làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực (Biển Đông), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Hơn nữa, tuyên bố kêu gọi phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong những hành động có thể làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng tại Biển Đông của các bên tranh chấp và tất cả nước khác, bao gồm những bên tham gia DOC.
Ít ngày nữa, Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC được tổ chức hai năm/lần.
Cuộc tập trận này được dự kiến tổ chức vào tháng Tư song đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19, theo đó được tổ chức vào ngày 17-31/8 tại một khu vực giới hạn gần đảo Hawaii.
Hải quân của 25 nước được mời tham dự và ít nhất ba nước có tranh chấp với Trung Quốc đã quyết định cử tàu chiến tham gia sự kiện này.
Vùng lãnh thổ Đài Loan, một bên yêu sách ở Biển Đông cũng có thể nhận được lời mời tham dự RIMPAC 2020 theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ “bao gồm những điều khoản giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ,” đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ “tổ chức huấn luyện thực tiễn và tập trận hải quân với Đài Loan, gồm ‘Tập trận Vành đai Thái Bình Dương’ nếu phù hợp và tất cả các cuộc tập trận hải quân song phương khác.”
Điều này chắc chắn sẽ gây căng thẳng và chọc giận Trung Quốc, nước hoàn toàn có thể thực hiện các cuộc tập trận quân sự chưa có tiền lệ, bao gồm cả cái thường được gọi là “tấn công Đài Loan.”
Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc sẽ đổi ý. Trong bối cảnh hoàn toàn không có đối thoại và liên lạc, hai bên đều đang “báo hiệu” những lựa chọn chiến lược của mình.
Mỹ quyết tâm theo đuổi “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) tại Biển Đông (đang tăng lên trong thời gian gần đây), trong khi Hải quân Trung Quốc sẽ phản đối, thách thức Mỹ thông qua những hành động quân sự.
Nhìn chung, những hành động hung hăng không ngừng của Trung Quốc tại Biển Đông là nguyên nhân chính khiến đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về “bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và có ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông” (COC) lâm vào tình trạng bế tắc./.