Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới

Hình ảnh ông Sadat bắt tay Thủ tướng Israel Menachem Begin năm 1977 được truyền đi khắp thế giới. Và, Tổng thống Ai Cập Sadat cũng phải trả giá bằng mạng sống của mình sau đó.
Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Nhà lãnh đạo Triều Tiền Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/6. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cái bắt tay với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong khoảnh khắc lịch sử tại Singapore, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và đương kim lãnh đạo Triều Tiên.

[Tổng thống Hàn Quốc không ngủ trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên]

Theo AFP, những cái bắt tay có phần gượng gạo của tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo thế giới từng làm dấy lên nhiều lời đàm tiếu nhưng nhiều người tin rằng, cái bắt tay với nhà lãnh đạo Kim Jong-un - khoảnh khắc cao điểm sau nhiều tháng hoạt động ngoại giao kịch tính - sẽ đưa tới một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.

[Ông Kim Jong-un đặt thời hạn chót kết thúc thượng đỉnh với ông Trump]

Hãy cùng nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới:

* Triều Tiên-Hàn Quốc: Kim Jong-un - Moon Jae-in (năm 2018)

Ngày 27/4, thế giới nín thở khi hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae-in cùng đi qua đường giới tuyến quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên và bắt tay, động thái "tan băng" bước ngoặt trong quan hệ liên Triều được khởi phát từ sự kiện Thế vận hội Mùa Đông hồi đầu năm nay.

[Video] Tổng thống Mỹ gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên

Khi bước qua đường ranh giới dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã trở thành lãnh đạo đầu tiên từ Bình Nhưỡng đặt chân lên Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc trong một lệnh đình chiến 65 năm trước. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi một nền hòa bình vĩnh viễn và thực thi phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.

Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới ảnh 2Cái bắt tay lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-un.

* Mỹ và Cuba: Barack Obama- Raul Castro (2013)

Ngày 10/12/2013, tại Đài tưởng niệm Nelson Mandela, Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới qua hành động bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro, động tác chào hỏi đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước láng giềng sau nhiều thập kỷ thù địch. Chỉ sau vài tháng, quan hệ hai nước "tan băng" nhanh chóng. Các quan hệ ngoại giao đầy đủ được khôi phục vào tháng 7/2015 sau những bước đi mà một thời không ai có thể hình dung được nhằm hàn gắn các quan hệ song phương.

[Tổng thống Obama: “Cuba không phải là mối đe dọa đối với Mỹ”]

Tổng thống Obama đã đi thăm Cuba năm 2016, một chuyến đi tầm cỡ đầu tiên như vậy của một Tổng thống Mỹ sau 88 năm. Washington cũng nới lỏng lệnh cấm vận kéo dài nhiều thập kỷ đối với đảo quốc này, trong khi các chuyến bay trực tiếp của hàng không Mỹ tới Havana được nối lại từ tháng 11/2016.

Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới ảnh 3Tổng thống Mỹ Barack Omaba và Chủ tịch Cuba Raul Castro (năm 2013). (Nguồn: Getty Images)

* Bắc Ireland: Nữ hoàng Elizabeth II - McGuinness (2012)

Trong một khoảnh khắc lịch sử của tiến trình hòa bình Bắc Ireland, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã gặp gỡ cựu tư lệnh hàng đầu lực lượng bán vũ trang Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) sau nhiều năm xung đột đẫm máu với các lực lượng Anh.

IRA muốn Anh kết thúc sự cai trị tại tỉnh này và hòa nhập với Cộng hòa Ireland. Sau đó, ông McGuinness đã trở thành một trong những nhân vật tham gia cuộc thương lượng chấm dứt bạo lực.

[Anh tuyên bố không chấp nhận 'biên giới cứng' với Bắc Ireland]

Khi trở thành Phó Thủ tướng thứ nhất Bắc Ireland, ông McGuinness cũng đã có cái bắt tay Nữ hoàng Elizabeth II khi bà đến thăm tỉnh này ngày 27/6/2012. Đó là một cử chỉ tiến tới hòa giải cho một khu vực mà nhiều người từng nghĩ sẽ không bao giờ có hòa bình.

Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới ảnh 4Nữ hoàng Anh Elizabeth II và ông McGuinness (2012)

* Israel và Palestinians: Yasser Arafat - Yitzhak Rabin (1993)

Sau nhiều tháng đàm phán bí mật tại Na Uy, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat đã ngồi xuống bàn thương lượng tại Nhà Trắng (Mỹ) vào ngày 13/9/1993 để chứng kiến lễ ký Hiệp định Hòa bình Oslo.

Và tại đó, ở một trong những thời khắc kịch tính nhất trong cuộc xung đột Israel-Palestine, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã giang rộng hai tay giữa hai nhà lãnh đạo Yasser Arafat và Yitzhak Rabin cùng bắt tay.

[Đồng phạm vụ ám sát thủ tướng Rabin sắp được thả]

Tiến trình hòa bình (dù chết yểu) đã trao quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng mà không thành lập nhà nước riêng rẽ. Hai năm sau, ông Yitzhak Rabin bị ám sát bởi một phần tử Do Thái quá khích phản đối tiến trình hòa bình vốn tan vỡ ít năm sau đó.

Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới ảnh 5Cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và lãnh đạo Palestine Yasser Arafat (1993).

* Ai Cập-Israel: Anwar Sadat - Menachem Begin (1977)

Trong một động thái được dư luận coi là bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Đông gần đây, Tổng thống Ai Câp Anwar Sadat đã tới Israel ngày 19/11/1977 trong chuyến thăm lịch sử. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nhà nước Arab tới quốc gia Do Thái.

[CIA giải mật tài liệu tình báo về Hiệp ước Trại David]

Hình ảnh ông Sadat bắt tay Thủ tướng Israel Menachem Begin năm đó được truyền đi khắp thế giới. Chuyến thăm đã mang lại Hiệp định hòa bình Arab-Israel đầu tiên và chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh từng tồn tại giữa hai quốc gia suốt 30 năm. Và, Tổng thống Sadat cũng phải trả giá bằng mạng sống của mình sau đó. Năm 1981, ông bị một phần tử Hồi giáo ám sát./. 

Cuộc gặp Mỹ-Triều: Nhìn lại những cái bắt tay làm rung chuyển thế giới ảnh 6Cái bắt tay của ông Anwar Sadat và Menachem Begi (1977). (Nguồn: The Times of Israel)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục