Cuộc họp 2+2: Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản khỏi các cuộc tấn công mạng

Sau cuộc họp 2+2 tại thủ đô Washington, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực không gian, mạng và chiến tranh điện tử.
Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ ngày 19/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ ngày 19/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/4, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực không gian, mạng và chiến tranh điện tử.

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp 2+2 tại thủ đô Washington, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản đã lần đầu tiên xác nhận việc Washington sẽ bảo vệ Tokyo khỏi các cuộc tấn công mạng.

Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng đã xác nhận rằng luật quốc tế sẽ được áp dụng với không gian mạng và trong một số trường hợp nhất định, một vụ tấn công kiểu này có thể dẫn đến cuộc tấn công vũ trang theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Hai bên cũng nhấn mạnh cam kết dẫn đầu các nỗ lực quốc tế trong việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc để thúc đẩy Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Mỹ và Nhật Bản nhất trí thúc đẩy Triều Tiên giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980.

Bốn vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Hàn Quốc. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Hai nước cam kết tăng cường phối hợp, cả song phương lẫn đa phương, trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

[Quan chức Mỹ và Nhật Bản tiến hành đối thoại theo thể thức '2+2']

Phát biểu sau cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp bảo vệ thông tin mật, duy trì ưu thế về công nghệ, cũng như lợi thế chung về quốc phòng và kinh tế trước các hành vi đánh cắp và lạm dụng.

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đánh giá cao việc Nhật Bản tiếp tục mua máy bay F-35 và các khí tài khác của Mỹ nhằm tăng cường năng lực phối hợp.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã đề nghị Mỹ điều tra vụ rơi máy bay chiến đấu F-35A tại Thái Bình Dương trong cuộc diễn tập phòng không của Nhật Bản vào đầu tháng này.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá liên minh Mỹ-Nhật hiện là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cho biết cả hai nước sẽ tiến hành huấn luyện chung và xây dựng năng lực cùng với các quốc gia đối tác khác để mở rộng sự hiện diện tại khu vực.

Trong vấn đề Triều Tiên, ông Kono tuyên bố nước này và Mỹ có chung quan điểm rằng các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên cần được tiếp tục thực thi cho tới khi bán đảo Triều Tiên hoàn toàn được phi hạt nhân hóa.

Ông cũng tuyên bố Nhật Bản sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên sau khi các vấn đề liên quan tới tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân và các công dân Nhật Bản bị bắt cóc được giải quyết.

Cuộc đối thoại "2+2" diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc hồi tháng Hai vừa qua tại Hà Nội mà không có thỏa thuận nào.

Tokyo công khai ủng hộ nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Tổng thống Trump với Triều Tiên, song vẫn tỏ ra thận trọng về triển vọng thành công của tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.