Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên diễn ra ngày 11/9 (giờ Việt Nam) tại Trung tâm Hiến pháp quốc gia ở Philadelphia, bang Pennsylvania.
Sự kiện này được xem là cơ hội để cựu Tổng thống Trump tái định hình thế trận cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi Phó Tổng thống Harris có thể tận dụng để tiếp tục "hâm nóng" quãng thời gian ngọt ngào chính trị của mình sau nhiều tuần có màn bứt phá ấn tượng trong các cuộc thăm dò dư luận.
Cũng như các cuộc bầu cử trước, nước Mỹ lại chứng kiến một cuộc đua sít sao, hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều ngã rẽ giữa hai ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Hành trang của Phó Tổng thống Harris trước khi bước vào cuộc tranh luận là những động lực mà chiến dịch của bà đã giành được kể từ khi chính thức ra tranh cử.
Sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tại Chicago, chiến dịch của bà thông báo đã huy động được hơn 500 triệu USD.
Theo kết quả khảo sát toàn quốc vừa được tờ New York Times phối hợp cùng Đại học Siena công bố ngày 8/9, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump chỉ còn hơn bà Harris 1% (48-47%).
Kết quả nhiều cuộc thăm dò khác cũng cho thấy hai ứng cử viên hơn kém nhau xấp xỉ 1-2 điểm phần trăm.
Với việc kết quả khảo sát có sai sót lên đến 3 điểm phần trăm, có thể nói cả hai đang ở thế "bất phân thắng bại."
Chính thế trận giằng co này đã buộc họ bước vào màn "so găng" với quyết tâm tạo sự khác biệt để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là những người còn lưỡng lự.
Đúng như dự đoán, 90 phút tranh luận giữa hai ứng cử viên đã diễn ra gay cấn, xoay quanh nhiều chủ đề mang tính quốc gia đại sự như tình hình kinh tế, nhập cư, vấn đề nạo phá thai, cũng như chính sách đối ngoại liên quan đến các vấn đề an ninh nổi cộm như các cuộc xung đột Nga-Ukraine hay Hamas-Israel.
Ông Chris Wallace, người dẫn chương trình của CNN, nhận định ông “chưa từng thấy một cuộc tranh luận nào khốc liệt tương đương cuộc đối đầu hồi tháng Sáu giữa ông Trump và Tổng thống Biden đến vậy."
Vốn là diễn giả dày dạn kinh nghiệm và được đánh giá có thời lượng phát biểu dài hơn đối thủ, song trong màn tranh luận trực tiếp lần này, ông Trump có vẻ chưa thể hiện được nhiều yếu tố "dày dạn kinh nghiệm" đó. Thậm chí, trong phần đầu cuộc tranh luận, ông Trump dường như có phần bị đối thủ lấn át.
Về phần ứng cử viên Dân chủ, bà Harris tỏ ra điềm tĩnh, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động dồn ép, nhắm vào một số vấn đề được cho là điểm yếu trong chính sách của vị cựu tổng thống, như đề cập đến quy mô của các cuộc vận động tranh cử của ông Trump cũng như liệt kê một số cựu quan chức từng làm việc trong chính quyền trước đây đã "quay xe."
Khi bước lên sân khấu, bà chủ động đi đến bắt tay đối thủ và thường nhìn ông Trump khi phát biểu.
Chuyên gia Nick Beauchamp, phó Giáo sư chuyên ngành chính trị khoa học của Đại học Northeastern (Mỹ), nhận định ban đầu, bà Harris cố gắng tạo ra sự khác biệt giữa mình với Tổng thống Biden và cả ông Trump. Sau đó, bà xoáy sâu vào các chủ đề tranh luận và các vấn đề liên quan để buộc ông Trump phải phát biểu nhiều hơn và bộc lộ sơ hở.
Kết quả là ông Trump đã phải nỗ lực phản pháo và không dưới 3 lần bị người điều phối của đài ABC News nhắc nhở vì đưa ra các tuyên bố bị coi là chưa đúng sự thật.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với một chiến thắng dành cho bà Harris trong vòng đối đầu này.
Dù không có phong thái bùng nổ trong các cuộc tranh luận tổng thống trước đây, ứng cử viên Trump vẫn phần nào thể hiện khả năng ứng phó linh hoạt.
Ông đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden về tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy, chỉ trích quan điểm trong vấn đề nạo phá thai và chính sách nhập cư gây hại cho nước Mỹ.
Cựu Tổng thống cũng khẳng định kế hoạch cắt giảm thuế của ông sẽ giúp cải thiện bộ mặt kinh tế nước Mỹ.
Ông Ron Bonjean, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, nhận định mặc dù bà Harris đã có thể khiến cựu Tổng thống Trump có phần lúng túng, nhưng vẫn chưa rõ liệu nữ ứng cử viên đảng Dân chủ có thuyết phục được cử tri đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc tranh luận này hay không.
Trong khi đó, tờ Boston Globe đánh giá mặc dù Phó Tổng thống Harris đã nhiều lần khẳng định mình có sự khác biệt với đương kim Tổng thống Biden, nhưng bà chưa thể đưa ra những luận điểm cụ thể để làm rõ sự khác biệt đó.
Theo đánh giá của tờ báo này, qua cuộc tranh luận, nữ chính khách này thể hiện mình là đối thủ "ngang tài, ngang sức" với ông Trump chứ không phải là vượt trội rõ rệt.
Còn đối với ông Trump, Boston Globe đánh giá màn tranh luận của ứng cử viên đảng Cộng hòa không tồi nhưng cũng không thể coi là tốt.
Mức độ ảnh hưởng của cuộc tranh luận này ra sao vẫn còn là dấu hỏi, vì thực tế bản thân nhiều cử tri dù chưa đi bỏ phiếu song đã có được sự lựa chọn cho riêng mình. Lịch sử đã chứng minh không phải người chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận đều chắc vé vào Nhà Trắng.
Năm 2016, bà Hillary Clinton được đánh giá là giành chiến thắng cả 3 vòng đối đầu với ông Trump, nhưng cuối cùng thất cử.
Ông David Lazer, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Northeastern, nhận định: "Tôi dự đoán sẽ không có sự thay đổi lớn trong lá phiếu cử tri."
Theo các chuyên gia, dù cuộc tranh luận không thể thay đổi ngay lập tức hướng đi của cuộc bầu cử, nhưng sự kiện này ít nhất cũng đã cung cấp những cái nhìn quan trọng về quan điểm, phong thái và chiến lược của hai ứng cử viên.
Tuy nhiên, với đặc trưng của các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là đoán định, tiềm ẩn những ẩn số bất ngờ và khó lường, bất luận kết quả của cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống ra sao hay thế trận đang nghiêng về bên nào, thì đáp án cuối cùng vẫn sẽ chỉ có vào ngày định mệnh 5/11 tới./.
Bầu cử Mỹ: Hai ứng viên bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia, Pennsylvania.