Cuộc vận động sáng tác: “Luồng gió mới” để văn học thiếu nhi phát triển

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết sáng tác văn học cho thiếu nhi là hoạt động quan trọng, được ưu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

(Ảnh minh họa: Minh Huệ/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Minh Huệ/TTXVN)

Một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bị bỏ trống và chưa đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi. Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi như một “luồng gió mới” khiến cho văn học thiếu nhi đang dần thức tỉnh.

Thành công từ một cuộc thi

Đợt 1 Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi khép lại với những thành công nhất định. Từ khi phát động vào cuối năm 2021 cho đến ngày 15/6/2023 (hạn cuối của đợt 1), Ban tổ chức đã nhận được 246 tác phẩm tham dự, trong đó có 102 tác phẩm thơ, 144 tác phẩm văn xuôi. Ban tổ chức đã chấm chọn và trao giải thưởng cho 16 tác phẩm xuất sắc, gồm 1 giải A, 2 giải B, 5 giải C và 7 giải khuyến khích.

Đánh giá về kết quả đợt 1 cuộc vận động, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định chặng đầu của cuộc vận động đã mang tới thành công nhất định.

Trước hết là ở số lượng tham gia đông đảo của các tác giả khắp các vùng miền, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên, qua miền Trung, ra miền núi phía Bắc. Điểm thú vị là có nhiều tác giả hiện đang sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài cũng nhiệt tình tham dự.

Độ tuổi tác giả tham dự khá phong phú, cao nhất là tác giả Huỳnh Sanh Châu 95 tuổi, ít nhất là Kul Nguyễn, 10 tuổi với tác phẩm “Tích cực” và Vũ Khánh Huyền, 11 tuổi, với “Mùa hè quê ngoại.”

Đặc biệt, bên cạnh việc có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, uy tín trên văn đàn tham gia như Lê Hồng Thiện, Võ Khắc Nghiêm, Ngân Vịnh, Phạm Đình Ân, Đặng Huy Giang, Đinh Công Thủy… thì cũng xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với những hứa hẹn mang tới sinh khí mới như Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Xuân Lai...

Về nội dung cũng như hình thức thể hiện, có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới. Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, khuôn sáo, để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất.

Đáng mừng là trong đó có sự khởi sắc của những thể loại vốn chưa được lưu tâm phát triển trước đây như giả tưởng và khoa học viễn tưởng. Tín hiệu ấy cho thấy các tác giả đã chú trọng cân bằng cả nội dung lẫn hình thức để gia tăng độ gần gũi, tính thuyết phục, cuốn hút với bạn đọc thiếu nhi.

Thêm vào đó, đối tượng phản ánh trải trên biên độ khá rộng, từ lứa tuổi thiếu niên, đến nhi đồng, mẫu giáo. Có thể kể ra một số tác phẩm như “Những đôi mắt khoảng trời” - Đào Quốc Vịnh, “Rừng Việt Bắc” của Lê Toán, “Con cáo lửa” của Phạm Thanh Thúy, “Cu Sang - Cây ma” của Nguyễn Xuân Lai, “Đi bắt nỗi buồn” của Nguyễn Thị Như Hiền, “Sông vừa đi vừa lớn” của Nguyễn Minh Khiêm, “Dắt mẹ đi chơi” của Mai Quyên, “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” của Nguyễn Thị Cẩm Hà …

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, điểm nổi trội nhất trong các tác phẩm này là việc đã hạn chế những bài học gượng ép, giáo điều to tát, chú trọng khơi gợi trí tưởng tượng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống để giáo dục về nhân tính. Điều này thể hiện qua nỗ lực của các tác giả, tiến sát với thế giới tâm hồn thiếu nhi bằng những sáng tác nổi trội tính gợi mở, ngộ nghĩnh, gần gũi, qua đó mang tới cho các em bài học giàu tinh thần nhân văn.

“Đa số các tác phẩm không chỉ giúp trẻ em cảm nhận được tình yêu cuộc sống, con người mà còn giúp các em hiểu biết và yêu thương thế giới xung quanh, biết tránh xa những thói hư tật xấu, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng hòa đồng, khám phá thế giới, tạo tiền đề cho khơi mở tư duy sáng tạo.

Không chỉ dừng ở đó, các tác phẩm còn góp phần giúp người lớn thâm nhập vào thế giới riêng của các em, từ đó thấu hiểu, có cách ứng xử hài hòa, phù hợp trên tinh thần tôn trọng,” nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ.

Có thể nói, đợt 1 cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi về căn bản là thành công, đã thực sự mang tới những gương mặt mới, giá trị mới, góp phần làm giàu có tâm hồn lứa tuổi thiếu nhi và làm phong phú thêm cho đời sống văn học của trẻ em, khiến chúng ta thêm kỳ vọng vào thành công của chặng tiếp theo.

Lấp dần khoảng trống

Đánh giá về văn học thiếu nhi, nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết văn học thiếu nhi đã có một thời kỳ rực rỡ, nhiều “thế hệ vàng,” sáng tác những tác phẩm tuyệt vời cho xã hội, bao thế hệ trẻ em đã được “tắm” trên nền văn chương đó, làm nên nhiều kỳ tích.

ttxvn_sach thieu nhi 2.jpg
Văn học thiếu nhi đã có một thời kỳ rực rỡ. (Ảnh: Minh Huệ/TTXVN)

Tuy nhiên, mấy chục năm qua, văn học thiếu nhi không được quan tâm, vắng bóng dần và trong một thời kỳ khá dài, văn học thiếu nhi bị "khô hạn." Chính vì vậy, ước mơ của các nhà văn viết cho thiếu nhi là muốn đưa văn học thiếu nhi trở lại thời hoàng kim.

Để tạo bầu không khí mới, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định củng cố lại văn học thiếu nhi. Từ Ban Văn học thiếu nhi nâng lên trở thành Hội đồng Văn học thiếu nhi để văn học thiếu nhi có tầm hoạt động tốt, có tiếng nói như các hội đồng thơ văn khác. Bên cạnh đó, Ban chấp hành chọn tìm những người có tâm huyết, tác phẩm và đặc biệt có sự đổi mới tham gia Hội đồng.

Nhà văn Thái Chí Thanh chia sẻ, sau khi thành lập Hội đồng, văn học thiếu nhi đã có những bước chuyển biến tích cực, từ việc xét thưởng, kết nạp hội viên… đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây.

Bên cạnh đó, để văn học thiếu nhi từng bước khởi sắc, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học thiếu nhi, đưa ra các tiêu chí viết về đề tài thiếu nhi.

Đó là cổ vũ những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp như tinh thần cảm thông, sẻ chia vì người khác, khích lệ lòng say mê sáng tạo, ý thức tự lực, từ đó làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng các em trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.

Các sáng tác cho thiếu nhi góp phần làm đa dạng, sinh động thêm đời sống văn học nói chung và văn học về đề tài thiếu nhi nói riêng, qua đó tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học thiếu nhi. Đặc biệt Cuộc vận động sáng tác đề tài văn học thiếu nhi được phát động đã tạo bầu không khí mới, sôi động cho sáng tác về văn học thiếu nhi.

Nói về văn học thiếu nhi, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: Sáng tác văn học cho thiếu nhi là hoạt động quan trọng, được ưu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

Ban chấp hành quyết định thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi và tập trung vào Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi, thay vì cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết như những năm trước đây.

Văn học thiếu nhi của văn học Việt Nam đã trống vắng, sách văn học thiếu nhi bán rất nhiều trên thị trường, nhưng hầu hết là của nước ngoài, chứa đựng một nền văn hóa khác...

“Chúng ta muốn trẻ em Việt Nam lớn lên, trở thành người tử tế và mang tên Việt Nam, thì sự tử tế đó phải chứa đựng vẻ đẹp văn hóa, phong tục, lịch sử Việt… Để làm được điều đó, cần có thật nhiều những tác phẩm văn học thiếu nhi mang đậm văn hóa Việt đến với các em,” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.