Báo The Australian ngày 29/4 dẫn lời ông Gareth Evans, cựu Ngoại trưởng Australia và hiện là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia, cho rằng "cuộc phiêu lưu" của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Australia thay đổi quan điểm về khu vực này.
Ông Evans đánh giá cao việc "Sách trắng Quốc phòng" Australia 2016 sử dụng thuật ngữ “trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ” khi muốn truyền tải thông điệp tất cả các bên liên quan cần phải kiềm chế.
Theo ông Evans, với những gì đang xảy ra ở Biển Đông thì quả thực “trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ” đang bị phá vỡ, và nếu muốn khôi phục trật tự này, Trung Quốc cần thay đổi hành vi.
Thứ nhất, Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết của trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines; tránh để tình hình căng thẳng leo thang.
Thứ hai, Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách “đường chín đoạn,” tuyên bố chủ quyền đối với “những vùng biển lịch sử” hay “ngư trường truyền thống của Trung Quốc.”
Việc tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý không thể tranh cãi của những nước khác theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) đang gây mâu thuẫn với các nước như Indonesia.
Thứ ba, Trung Quốc cần nghiêm túc hạn chế hành động liên quan đến các rạn san hô và bãi ngầm, những nơi trước đây chưa bao giờ có hoạt động sinh sống mà nay được cải tạo, xây dựng trên đó là những đường băng, lắp đặt các thiết bị quân sự và tìm cách ngăn cản nước khác sử dụng các vùng biển xung quanh cũng như vùng trời ở khu vực này.
Thứ tư, Trung Quốc cần dịu bớt quan điểm cho rằng tàu thuyền hay máy bay nước ngoài không được phép do thám hay thu thập tin tức tình báo trong toàn bộ khu vực EEZ của mình (các tuyên bố của Bắc Kinh về EEZ hoàn toàn không có tính thuyết phục).
Việc duy trì quan điểm này sẽ tạo ra nguy cơ xảy ra sự cố liên tục trong khu vực./.