Cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bị bắt vì nhận hối lộ

Cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, ông John Ashe, đã bị các nhà điều tra Mỹ bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ của doanh nghiệp từ Macau (Trung Quốc).
Cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bị bắt vì nhận hối lộ ảnh 1Cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, ông John Ashe. (Nguồn: youtube.com)

Ngày 6/10, cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, ông John Ashe, đã bị các nhà điều tra liên bang Mỹ bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ của các doanh nghiệp từ Macau (Trung Quốc), một sự kiện khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảm thấy "sốc" và "đau lòng."

Cáo trạng được cơ quan điều tra liên bang Mỹ đưa ra cho biết ông John Ashe, từng là Đại sứ của Antigua và Barbuda tại Liên hợp quốc và được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 (2013-2014), đã nhận hối lộ hơn 1 triệu USD dưới nhiều hình thức từ doanh nhân Trung Quốc liên quan tới việc xây dựng trung tâm hội nghị của Liên hợp quốc ở Macau.

Ông John Ashe cũng bị cáo buộc đã hai lần gian lận thuế liên quan tới vụ việc này trong giai đoạn 2011-2014.

Cáo trạng cho thấy ông John Ashe đã có một cuộc sống xa hoa nhờ những khoản tiền hối lộ.

Ông John Ashe đã chi 59.000 USD để mua các bộ complê may tay tại Hong Kong trong năm 2013-2014; mua 2 đồng hồ Rolex đầu năm 2014 trị giá 54.000 USD và hồi cuối năm 2014 đã chi 40.000 USD để mua trả góp một chiếc xe hạng sang hiệu BMW X5.

Ngoài ra, ông John Ashe cũng chi 69.000 USD để đăng ký thành viên một câu lạc bộ tại bang South Carolina và chi 30.000 USD để xây dựng một sân chơi bóng rổ tại căn hộ của ông ở New York.

Ngoài ông John Ashe còn có 5 nhân vật khác cũng nằm trong cáo trạng, gồm đại gia bất động sản Macau, ông Ng Lap Seng và phụ tá Jeff C. Yin, đã bị bắt giữ từ hôm 19/9 và bị cáo buộc đã gian dối về mục đích sử dụng 4,5 triệu USD tiền mặt họ chuyển vào Mỹ kể từ năm 2013; Phó Phái đoàn Thường trực Cộng hòa Dominican, ông Francis Lorenzo, với cáo buộc đã trợ giúp ông Ng Lap Seng hối lộ ông John Ashe; và Giám đốc Điều hành Shiwei Yan và Giám đốc Tài chính Heidi Hong Piao của một tổ chức phi chính phủ tại thành phố New York.

Tại cuộc họp báo thường nhật ngày 6/10, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ông Stephan Dujarric cho biết "ông Ban Ki-moon cảm thấy sốc và đau lòng trước những cáo buộc với ông John Ashe."

Ông Stephan cũng cho biết rằng các quan chức Liên hợp quốc và nhóm pháp lý của tổ chức này không biết về cuộc điều tra do các nhà chức trách liên bang Mỹ thực hiện, đồng thời khẳng định rằng "tham nhũng không phải là việc đâu lại hoàn đấy ở Liên hợp quốc."

Theo cáo trạng, cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc John Ashe đã trở thành công dân hợp pháp của Mỹ vào khoảng năm 2000.

Tại thời điểm hiện nay, ông Ashe cũng không còn là nhà ngoại giao, và chỉ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao đối với hành vi liên quan tới các vị trí chính thức.

Tuy nhiên, sự miễn trừ đó không giúp ông Ashe thoát khỏi việc bị bắt giữ và cũng không giúp ông tránh được những truy tố liên quan tới các hành động bên ngoài tư cách là nhà ngoại giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục