Dù đội tuyển Anh đã bị loại khỏi World Cup 2014, song báo chí nước này vẫn có khối chuyện để nói, liên quan tới câu lạc bộ Manchester United. Sau hai vụ chuyển nhượng đình đám mang tên Ander Herrera và Luke Shaw, người hâm mộ Quỷ đỏ lại nhận được tin nóng về "người cũ" David Moyes.
Tờ Mirror của Anh hôm nay đưa dòng tít: “David Moyes đáp máy bay đến Istanbul để chuẩn bị dẫn dắt đội bóng hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ Galatasaray, lương 4 triệu bảng/năm” lên trang đầu. Đây xứng đáng được xem là một sự kiện, bởi từ trước đến nay, các huấn luyện viên người Vương quốc Anh làm việc ở nước ngoài không nhiều, người đặt dấu ấn bên ngoài Đảo quốc Sương mù lại càng ít.
Điểm qua, mới có một vài tên tuổi đáng chú ý có cố huấn luyện viên Bobby Robson, người từng dẫn dắt Barcelona; đương kim huấn luyệ viên đội tuyển Anh Roy Hodgson cầm quân tại Inter Milan và từng dẫn dắt tuyển Thuỵ Sỹ vào vòng loại trực tiếp World Cup 1994 tại Mỹ, hay một người cũ của Old Trafford - Steve McClaren từng dẫn dắt Twente vô địch Hà Lan 2009-2010.
Với quyết định đi về phía Đông, Moyes liệu sẽ trở thành một huyền thoại trong làng huấn luyện như Bobby Robson, làng nhàng hạng khá như Roy Hodgson, hay trở về Anh không kèn không trống như McClaren (hiện dẫn dắt CLB hạng nhất Derby County)?
Trước nhiệm kỳ thảm hoạ tại Manchester United, Moyes là một huấn luyện viên được đánh giá cao ở Premier League. Chiến tích hơn 10 năm Everton, hai lần suýt đưa họ tới Champions League không phải tầm thường. Có thể xem Moyes là một... phiên bản chưa nâng cấp của Jose Mourinho, với lối chơi thực dụng, chú trọng thể lực, tốc độ, tính chính xác và thiên về phòng ngự phản công (tất nhiên đẳng cấp thì Moyes sao bằng Mou - từng vô địch Champions League với 2 câu lạc bộ khác nhau và đoạt chức vô địch quốc gia ở tất cả các nước ông đặt chân đến).
Cơ hội dẫn dắt Manchester United tưởng như sẽ giúp Moyes rời khỏi hàng ngũ những huấn luyện viên làng nhàng để bước lên một đẳng cấp cao hơn. Nhưng chiến lược gia này đã tự tay vứt bỏ cơ hội. Những màn trình diễn của Quỷ Đỏ tại Premier League mùa vừa qua là đỉnh điểm của sự thất vọng, là thứ chưa bao giờ sân Old Trafford chứng kiến trong vòng 20 năm qua (trừ quãng thời gian đầu khó khăn của Sir Ferguson).
Một lối chơi khô cứng của đội bóng xưa nay chỉ quen với việc tranh đấu trụ hạng rõ ràng không hợp với truyền thống tấn công rực lửa, áp đảo đối phương, kiểm soát thế trận vốn đã trở thành thương hiệu truyền thống của Quỷ đỏ. Moyes bị đá đít khỏi Old Trafford không hẳn vì vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng (thực tế, Fergie từng tệ hơn Moyes nhiều nhưng vẫn tại vị), mà vì huấn luyện viên này đã thất bại trong việc kiểm soát phòng thay đồ, hết mâu thuẫn với van Persie, Ferdinand lại đến cầu thủ kiêm trợ lý huấn luyện Giggs.
Với một huấn luyện viên đã trải qua hơn 10 năm làm việc trong môi trường quen thuộc Everton, quyết định ra đi của Moyes tới Thổ Nhĩ Kỳ lần này được xem là khá dũng cảm, vì hai lẽ.
Thứ nhất, ông chấp nhập rời khỏi lối mòn để dấn thân vào một lộ trình mạo hiểm, đầy thách thức, nhưng cũng thú vị và mang tính rèn luyện cao hơn. Nếu Moyes thành công với Galatasaray, ông sẽ vãn hội dành dự sau chuỗi ngày thất vọng tại Manchester United, và lại có cơ hội gia nhập hàng ngũ những huấn luyện viên giỏi người Vương quốc Anh.
Thứ hai, việc Moyes nhanh chóng đi đến quyết định ra nước ngoài chỉ 3 tháng sau khi bị đá khỏi khỏi Old Trafford cho thấy ông không mất nhiều thời gian ổn định tâm lý sau cú sốc tương đối lớn (Moyes nghĩ mình sẽ có 6 năm tại Manchester United, ai dè phải ra đi sau 9 tháng).
Galatasaray cũng là một thử thách dễ chịu với huấn luyện viên người Scotland hơn là Manchester United. Đội bóng này là câu lạc bộ thành công nhất lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, sức mạnh và vị thế của họ hoàn toàn áp đảo so với phần còn lại tại quốc gia nửa Á nửa Âu. Galatasaray là đội bóng duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ từng vô địch một cúp châu Âu (Cúp UEFA và Siêu Cúp châu Âu mùa giải 1999-2000).
Với dàn nội binh hùng hậu cùng vài tên tuổi nước ngoài sáng giá như Didier Drogba, Wesley Sneijder, Felipe Melo... Galatasaray được đánh giá là có lực lượng ấn tượng hơn hẳn những đối thủ cạnh tranh Besiktas, Fenerbahce... Moyes sẽ không khó để hoàn thành mục tiêu vô địch Thổ Nhĩ Kỳ, hướng tới những cái đích xa hơn ở đấu trường châu Âu.
Về tài chính, đội chủ sân Turk Telekom (tên cũ là Ali Samiyen) cũng được đánh giá ổn định với việc được chống lưng bởi tập đoàn viễn thông hàng đầu Turk Telekom. Đây là hãng viễn thông có số thuê bao lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ - 16,8 triệu). Lực lượng mạnh, tài chính ổn định, các ông chủ ủng hộ - thể hiện qua mức lương 4 triệu euro/ năm, Moyes có đầy đủ cơ hội để ghi dấu ấn tại Galatasaray. Vấn đề chỉ còn năm ở chính ông mà thôi!
Lúc này, người ta đang chờ đợi Moyes sẽ tổ chức ban huấn luyện ra sao, và bổ sung thêm tân binh nào, cũng như loại bỏ ai trong số những cầu thủ hiện tại, để tạo nên một Galatasaray của riêng ông.
Theo thông tin ban đầu, Moyes rất muốn đưa học trò cưng Marouane Fellaini theo tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tiền vệ người Bỉ vừa có mùa giải khá thất vọng, và được cho là không có tương lai tại Manchester United sau khi Quỷ Đỏ mua được Herrera. Một sự tái ngộ với thầy cũ là cơ hội để Fellaini tìm lại dáng dấp một tiền vệ hàng đầu như thời khoác áo Everton.
Liệu Moyes sẽ thành công và trở thành huyền thoại giống Bobby Robson, sẽ tầm thường làng nhàng như Roy Hodgson, hay sẽ trở về không kèn không trống như McClaren?