Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người có nhiều quan điểm khác biệt với cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về nhiều vấn đề, nói rằng ông rất đau buồn về sự ra đi của nhà chính khách Singapore.
Trên blog Chedet của mình, ông Mahathir viết rằng bất kể chúng ta thân thiện hay không thân thiện, sự ra đi của một người mà bạn biết rõ cũng sẽ làm bạn buồn. ''Tôi không thể nói tôi là một người bạn thân thiết của ông Lý Quang Diệu. Nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn vì cái chết của ông."
Ông Mahathir cho biết, khi còn là sinh viên tại Singapore, ông đã nghiên cứu về sự bảo vệ các công đoàn lao động của ông Lý Quang Diệu. Ông Mahathirđã gặp ông Lý Quang Diệu lần đầu tiên khi là đại biểu quốc hội vào năm 1964, sau khi Singapore sát nhập vào Malaysia năm 1963. Hai bên đã đấu trí nhiều lần trong các cuộc tranh luận, nhưng không có hận thù, chỉ có sự khác biệt trong quan điểm về những gì là tốt cho đất nước còn non trẻ.
''Ông Lý Quang Diệu đã liệt tôi vào những người Malaysia cực đoan phải chịu trách nhiệm đối với các cuộc bạo loạn sắc tộc ở Singapore. Tôi chưa bao giờ đi đến Singapore để khuấy rối. Một vài người khác, mà tôi không tiện nêu tên, đã làm việc đó'', ông Mahathir cho biết.
Theo ông Mahathir, khi trở thành Thủ tướng của Malaysia vào năm 1981, ông đã gọi điện thăm hỏi ông Lý Quang Diệu. Đó là một cuộc gọi thân thiện và ngay lập tức ông Lý Quang Diệu đã đồng ý với đề nghị của vị Thủ tướng mới của Malaysia về việc đẩy thời gian của Malaysia và Singapore lên nửa giờ để tạo thuận tiện cho việc đi lại dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo ông Mahathir, họ đã không nhất trí với hầu hết các vấn đề khác. Cho dù vậy, khi ông Mahathir bị cơn đau tim vào năm 1989, ông Lý Quang Diệu đã rất quan tâm và yêu cầu sắp xếp bác sỹ phẫu thuật tim tốt nhất, một người Singapore sống tại Australia trực tiếp mổ. Vào thời điểm đó, ông Mahathir đã được gây mê cho cuộc phẫu thuật vào ngày hôm sau, nên đã không đáp ứng được sự quan tâm của ông Lý Quang Diệu.
Sự ra đi của ông Lý Quang Diệuđánh dấu kết thúc thời kỳ mà những người đấu tranh cho nền độc lập đã dẫn dắt đất nước của họ và hiểu được giá trị của sự độc lập. Ông Mahathir nhấn mạnh rằng ASEAN đã mất đi một nhà lãnh đạo tài ba, sau Tổng thống Indonesia Suharto là ông Lý Quang Diệu./.