Ngày 5/8, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã giải trình trước tòa án liên quan đến chương trình trợ giá gạo dưới thời bà nắm quyền, gây thất thoát hàng tỷ USD ngân sách nhà nước.
Cựu Thủ tướng Yingluck xuất hiện trước Tòa án tối cao trong buổi lấy lời khai, trong đó các công tố viên đặt các câu hỏi về chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi mà chính phủ của bà do đảng Pheu Thai cầm quyền tiến hành vài năm trước. Trong khi đó, hàng trăm người ủng hộ bà Yingluck đã tụ tập bên ngoài tòa án dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.
Tại phiên tòa trước đó, một nhóm điều tra thuộc Văn phòng Thủ tướng của chính quyền Thái Lan hiện nay cáo buộc người đứng đầu chính phủ tiền nhiệm Yingluck phải chịu trách nhiệm đối với mức thiệt hại 286,6 tỷ baht (8,2 tỷ USD) do cáo buộc tham nhũng và lãng phí trong chương trình trợ giá gạo.
Tuy nhiên, bà Yingluck duy trì bảo vệ lập trường về chương trình trợ giá gạo cũng như bác bỏ các cáo buộc trên.
Chương trình trợ giá gạo là một nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai, đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.
Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc.
Tháng 5/2014, bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền. Sau đó cùng tháng, quân đội tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck và chính quyền quân sự lên nắm quyền do cựu Tư lệnh lục quân Prayut Chan-o-chan làm Thủ tướng.
Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ điều hành chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại lớn.
Tháng 1/2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo và gây thiệt hại lớn cho đất nước. Với lời buộc tội này, bà Yingluck bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm./.