Cựu Tổng thống Brazil đề nghị LHQ can thiệp phán quyết bắt giữ

Đội ngũ luật sư biện hộ của cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc áp dụng biện pháp ngăn chặn việc nhà lãnh đạo cánh tả này bị bắt.
Cựu Tổng thống Brazil đề nghị LHQ can thiệp phán quyết bắt giữ ảnh 1Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/4, đội ngũ luật sư biện hộ của cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva áp dụng biện pháp ngăn chặn việc nhà lãnh đạo cánh tả này bị bắt vào tù với tội danh nhận hối lộ.

Trước đó, Tòa án Tối cao Brazil (TSB) đã bác yêu cầu tại ngoại của ông Lula và ngay sau đó thẩm phán liên bang Sergio Moro đã ra lệnh bắt giam vị cựu tổng thống, chậm nhất là sau 24 tiếng, để thực thi án tù 12 năm do tòa trung thẩm cấp vùng tuyên, kết án ông Lula về tội nhận hối lộ một căn hộ sang trọng để đổi lấy việc Chính phủ Brazil dưới quyền ông khi đó ký hợp đồng với tập đoàn xây dựng Odebrecht.

Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, đội ngũ bào chữa của ông Lula cho rằng phán quyết của TSB là vi hiến khi đi ngược lại quyền mặc định vô tội của bị cáo cho tới khi hết mọi khả năng bào chữa pháp lý, vì hiện tại ông Lula vẫn còn quyền kháng án lần cuối lên tòa giám đốc thẩm cấp liên bang. Đây cũng là lập luận của đội ngũ biện hộ của ông Lula khi yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc vào cuộc.

[Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva kháng án, trì hoãn lệnh bắt giam]

Hiện tại, ông Lula vẫn đang dẫn đầu mọi cuộc thăm dò về cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này vào tháng 10 tới, và các lực lượng cánh tả tại Brazil cũng như dư luận ở nhiều nước Mỹ Latinh đã lên tiếng phản đối phán quyết chống lại cựu Tổng thống Lula, nhấn mạnh các hành động này hoàn toàn mang động cơ chính trị và thiếu căn cứ (ông Lula không đứng tên căn hộ trên và phán quyết của hai cấp tòa án Brazil là dựa trên những “nghi ngờ hợp lý”).

Cùng ngày, các phong trào quần chúng tại Brazil đã tuyên bố không để cho ông Lula bị bắt giam và sẽ kháng cự tới cùng tại trụ sở Công đoàn công nhân cơ khí bang Sao Paulo, nơi ông Lula đang có mặt cùng nhiều chính trị gia cánh tả và các thủ lĩnh phong trào xã hội.

Trước đó, ngày 5/4, thẩm phán Moro đã phát lệnh bắt giữ ông Lula da Silva, nhưng cho phép nhà lãnh đạo này tự nguyện ra trình diện trong vòng 24 giờ, tức là trước 17 giờ ngày 6/4 theo giờ địa phương.

Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva năm nay 72 tuổi và từng giữ hai nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 2003-2010. Hiện ông vẫn là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Brazil. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy ông có khả năng lớn sẽ giành chiến thắng nếu được ra tranh cử.

Năm 2017, ông Lula da Silva bị kết tội tham nhũng và bị kết án 12 năm tù, cùng án 1 tháng tù giam với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang từ một công ty xây dựng trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Giới quan sát nhận định sau phán quyết của Tòa án Tối cao, việc ông Lula da Silva phải chấp hành án tù giam là khó tránh khỏi, song lệnh bắt giữ của thẩm phán Moro khiến cho tình hình dường như tồi tệ thêm bởi đảng Lao động Brazil (PT) và những người ủng hộ ông hy vọng ông vẫn còn cơ hội kéo dài thời gian được tại ngoại để kháng án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.