Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan nhận tù 8 tháng tù giam

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan, 89 tuổi, bị tuyên án 8 tháng tù giam và cho hưởng án treo 2 năm với cáo buộc xúc phạm danh dự người đã khuất là cố linh mục Cho Chul-hyun.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan nhận tù 8 tháng tù giam ảnh 1Cựu Tổng thống Chun Doo-hwan (giữa) vẫn phủ nhận mọi sự liên quan trực tiếp đến việc trấn áp cuộc biểu tình năm 1980. (Nguồn: EPA-EFE)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 30/11, Tòa án thành phố Gwangju (Hàn Quốc) đã tuyên án cựu Tổng thống nước này Chun Doo-hwan 8 tháng tù giam và cho hưởng án treo 2 năm.

Tòa tuyên bố đã xảy ra vụ quân đội nổ súng vào người dân trong Phong trào Vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980 diễn ra ở thành phố trên và bị cáo đã cố ý xúc phạm danh dự người đã khuất.

Viện Công tố Hàn Quốc đã khởi tố ông Chun Doo-hwan, 89 tuổi, với cáo buộc xúc phạm danh dự người đã khuất là cố linh mục Cho Chul-hyun.

Linh mục Cho Chul-hyun từng làm chứng về việc từ trên trực thăng, binh lính đã nổ súng vào người dân trong phong trào trên.

Trong quyển hồi ký phát hành vào năm 2017, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan quy kết cố linh mục Cho Chul-hyun là “kẻ nói dối,” khẳng định không có chuyện trực thăng của quân đội tấn công người dân trong phong trào này.

Hội đồng xét xử nhận định vụ việc trực thăng 500MD và trực thăng UH-1H của quân đội nổ súng tại trung tâm thành phố Gwangju lần lượt vào ngày 21/5 và 27/5/1980 đã được chứng thực đầy đủ và cố linh mục Cho Chul-hyun đã chứng kiến vụ nổ súng ngày 21/5.

[Những cựu tổng thống của Hàn Quốc bị điều tra bê bối]

Xét trên cương vị của bị cáo khi đó cũng như những hành động của bị cáo trong thời gian diễn ra phong trào Gwangju, tòa nhận định bị cáo đã có thể nhận thức về các vụ nổ súng này.

Ngoài cố linh mục Cho Chul-hyun, trong số 16 nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ nổ súng, lời khai của 8 người đã được xác định là có thể tin tưởng.

Trong suốt thời gian diễn ra vụ kiện, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan đã không hề tỏ ra hối lỗi hay xin lỗi người dân, làm mất đi ý nghĩa của việc đặc xá. Ông còn xuất bản cuốn hồi ký nhằm hợp lý hóa hành động của bản thân, chỉ trích nạn nhân.

Tuy nhiên, đây không phải là vụ kiện về bản thân phong trào Gwangju, mà về việc bị cáo đã xâm hại lợi ích của nạn nhân. Tòa đã cho bị cáo hưởng án treo 2 năm.

Khi còn giữ chức Tư lệnh An ninh hồi năm 1979, ông Chun Doo-hwan đã dẫn đầu cuộc đảo chính quân sự ngày 12/12, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Ngay sau đó, ông đã ban bố tình trạng giới nghiêm. Đến tháng 5/1980, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự mới nổ ra trên cả nước.

Tại thành phố Gwangju, biểu tình hòa bình đã biến thành xung đột giữa quân đội và người dân, gây thương vong lớn về người.

Trong vai trò là quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, ông Chun Doo-hwan đã trấn áp những người dân và sinh viên tham gia Phong trào Vận động dân chủ Gwangju, sau đó tiến hành cuộc bầu cử gián tiếp trong cùng năm.

Ông trở thành Tổng thống thứ 11 của Hàn Quốc vào ngày 1/9/1980 cho tới hết tháng 2/1988./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.