Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị cáo buộc sử dụng tiền hối lộ của NIS

Ngày 15/11, các công tố viên Hàn Quốc cáo buộc cựu Tổng thống Park Geun-hye​ đã sử dụng tiền hối lộ từ Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) trong suốt nhiệm kỳ của mình cho mục đích cá nhân.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị cáo buộc sử dụng tiền hối lộ của NIS ảnh 1Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) được áp giải tới Tòa án Quận trung tâm Seoul ngày 25/8. (Nguồn: The Straits Time/ TTXVN)

Ngày 15/11, các công tố viên Hàn Quốc cáo buộc cựu Tổng thống Park Geun-hye​ đã sử dụng tiền hối lộ từ Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) trong suốt nhiệm kỳ của mình cho mục đích cá nhân.

Một quan chức giấu tên thuộc Văn phòng Công tố Quận trung tâm thủ đô Seoul cũng bác bỏ những nhận định cho rằng cuộc điều tra nhằm vào NIS có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Quan chức này nêu rõ bản chất của vụ án là các quan chức đã sử dụng ngân sách để hối lộ, trong khi tổng thống nhận số tiền này và sử dụng cho mục đích cá nhân.

Do đó, chính vì an ninh quốc gia, các hình phạt cứng nghiêm khắc cho các nhân vật liên quan trong vụ án là không thể tránh khỏi.

[Hàn Quốc bắt giữ hai cựu thư ký của cựu Tổng thống Park Geun-hye]

Hiện bên công tố đang chờ tòa án thông qua lệnh bắt giữ 3 nhân vật chóp bu của NIS dưới thời bà Park Geun-hye là Nam Jae-joon, Lee Byong-ho và Lee Byung-kee.

Ba nhân vật này bị cáo buộc hàng tháng dùng ngân sách NIS để hối lộ cho các cố vấn thân cận của bà Park Geun-hye trong giai đoạn từ 2013 đến giữa năm 2016 với tổng số tiền lên tới 4 tỷ won (3,6 triệu USD).

Các công tố viên nghi ngờ số tiền này có thể đã được chuyển đến một quỹ bí mật của bà Park Geun-hye.

Bên công tố cũng cho rằng số tiền hàng tháng này đã tăng gấp đôi từ 50 triệu won (45.000 USD) khi Nam Jae-joon đứng đầu NIS lên mức 100 triệu won (90.000 USD) khi Lee Byung-kee và Lee Byong-ho lên nắm quyền tại cơ quan này.

Cả ba đều thừa nhận các khoản tiền trên đã được chuyển theo yêu cầu của Phủ Tổng thống.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết phế truất bà Park Geun-hye khỏi cương vị Tổng thống sau khi bà bị Quốc hội luận tội hồi tháng 9/2016 với 18 tội danh, trong đó có tội biển thủ, lạm dụng quyền lực, ép buộc tập đoàn, và làm rò rỉ bí mật nhà nước.

Một trong những cáo buộc nghiêm trọng nhất đối với bà Park Geun-hye là nhận hối lộ 59,2 tỷ won (52,7 triệu USD) từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, gồm Samsung, Lotte và SK. Hiện cựu Tổng thống đang bị giam giữ tại một trung tâm ở phía Nam thủ đô Seoul.

Cùng ngày, Tòa án Quận trung tâm Seoul đã kết án 18 tháng tù giam đối với ông Jeong Ho-seong, trợ lý thân cận của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye với tội danh tiết lộ tài liệu của tổng thống cho người bạn thân lâu năm của bà Park Geun-hye là Choi Soon-sil - người bị cáo buộc can thiệp vào công việc của đất nước và lợi dụng ảnh hưởng để tống tiền các tập đoàn lớn.

Ông Jeong Ho-seong, một trong 3 trợ lý thâm niên nhất của bà Park Geun-hye, đã bị kết tội từ tháng 11 năm ngoái vì để lộ những chỉ thị của cựu tổng thống, ít nhất 47 tài liệu mật như những bài phát biểu chưa được công bố của tổng thống, cho bà Choi Soon-sil- nhân vật trung tâm trong vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn dẫn đến việc phế truất bà Park Geun-hye.

Trong phiên xét xử ngày 15/11, tòa án đã kết tội ông Jeong Ho-seong thông đồng với cựu Tổng thống Park Geun-hye làm rò rỉ 14 tài liệu, nhưng chưa xác nhận việc để lộ 33 tài liệu còn lại do chưa đủ bằng chứng.

Ông Jeong Ho-seong cũng thừa nhận việc chuyển giao những tài liệu của tổng thống cho bà Choi Soon-sil, nhưng không cho rằng hành động này trái pháp luật khi bà Park Geun-hye muốn tham khảo ý kiến từ người quen.

Trước đó, bà Park Geun-hye cũng thừa nhận đã đưa tài liệu cho bà Choi Soon-sil để tham khảo ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.