Sự xuất hiện với "sức tàn phá" kinh hoàng của đại dịch COVID-19 về vật chất, con người đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Dù các quốc gia đang trong quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế nhưng diễn biến còn rất chậm.
Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay và đó là tín hiệu tích cực cho thấy đường hướng, giải pháp mà Nhà nước chủ trương thực hiện trong thời gian qua nhằm khống chế, đẩy lui dịch bệnh đồng thời, khắc phục hậu quả và những tác động tiêu cực của đại dịch tới nền kinh tế là đúng hướng và cần tiếp tục phát huy.
Một trong những việc làm đầu tiên của kế hoạch tái khởi động, phục hồi nền kinh tế mà Chính phủ đang thúc đẩy là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đi đôi với nâng cấp khu vực dịch vụ công.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng lại đang đứng trước thách thức không nhỏ do nguồn lực đầu tư hạn hẹp bởi sự quan ngại về rủi ro của các nhà đầu tư; sự suy giảm về khả năng tài chính của Chính phủ và cả khu vực tư nhân do những tác động của dịch bệnh.
Trước thực tế ấy, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng để thúc đẩy việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác đối tác công-tư (PPP), Nhà nước cần dỡ bỏ các rào cản, bảo đảm sự linh hoạt, khả năng chống chịu cao; cũng như tăng cường sự phối hợp để hài hòa hóa lợi ích của các bên tham gia.
Giờ không còn là lúc siết chặt các quy định về PPP mà cần có các cách thức để làm sao bảo đảm lợi ích của cả Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân một cách công bằng, hợp lý, linh hoạt với tinh thần sẵn sàng chia sẻ rủi ro.
Nằm ở Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Phú Yên được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển các dự án điện gió, điện Mặt Trời và nhiều công trình xây dựng.
Trước đây, do hạn chế về hạ tầng giao thông nên chưa có nhiều nhà đầu tư “để mắt” tới Phú Yên. Tuy nhiên, từ khi hầm Đèo Cả, đèo Cù Mông được thông xe, sân bay Tuy Hòa được nâng cấp mở rộng, cùng với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế khác tại khu vực miền Trung, Phú Yên đã trở thành “điểm hẹn” mới đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết Phú Yên đã hội tụ đủ các tiềm năng và lợi thế. Vấn đề còn lại là hành động để đưa những tiềm năng, lợi thế ấy trở thành điểm tựa kinh tế, thành sức mạnh nội lực của địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Thời gian qua, do được quy hoạch xây dựng thành cửa ngõ ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên nên tỉnh Phú Yên đã đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; đa dạng hóa sản phẩm nổi tiếng về du lịch, công nghiệp nhằm đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng các công trình hạ tầng trọng điểm, kết nối miền Trung và Phú Yên hay Phú Yên với cả nước. Chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Phú Yên đều có chung khát vọng, chung định hướng đưa quê hương phát triển bằng chính nội lực của mình và bằng ngoại lực từ nguồn vốn đầu tư xã hội.
Bước đầu, Phú Yên đã có những chuyển biến tích cực, diện mạo quê hương thay đổi, cuộc sống người dân được cải thiện, doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định và đặc biệt, nguồn vốn đầu tư từ xã hội ngày càng tăng.
Minh chứng cho kết quả hợp tác thành công giữa Nhà nước và khu vực đầu tư tư nhân, có thể kể tới các công trình dự án được cấp chứng nhận đầu tư và đang triển khai như Khu nghỉ dưỡng cao cấp vườn Phượng Hoàng, Nhà máy sản xuất Tấm pin năng lượng Mặt Trời, Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên hay một số dự án khác đang được nghiên cứu đầu tư như Khu nghỉ dưỡng cao cấp bãi Từ Nham, Nhà máy điện gió HBRE-Phú Yên, Nhà máy điện Mặt Trời TTP Phú Yên..., ông Thế cho biết.
[Tiếp sức để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19]
Từ thực tế địa phương, ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho hay chủ trương thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng đã giúp mang lại nhiều thay đổi về diện mạo cho huyện Sơn Hòa, qua đó không chỉ góp phần cải thiện đời sống người dân và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động mà còn đem lại động lực giúp Sơn Hòa cải thiện vị thế cạnh tranh trong thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ đường xá, cầu cống, các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối mà những dự án nhỏ hơn như trạm dừng nghỉ, bến đỗ, cây xăng, trung tâm đăng kiểm… cũng đang được chính quyền địa phương và các nhà đầu tư xem xét, nghiên cứu và thống nhất triển khai trong thời gian rất ngắn.
Trước đây, do vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc quản lý, xem xét và cấp phép đầu tư thì nay cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ mang tính kết nối lại đang trở thành những hạng mục được ưu tiên. Điều đó hứa hẹn sự thay đổi mang tính tích cực và triển vọng thúc đẩy kinh tế-xã hội ở Phú Yên theo hướng đi lên, phù hợp với xu thế hội nhập chung.
Là một trong những nhà đầu tư ngoại tỉnh rất quan tâm tới sự phát triển kinh tế ở Phú Yên, bà Ngô Thu Hằng, Tổng giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Bách Việt, cho hay nhờ tinh thần cầu thị và các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, nhiều ưu đãi của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mở ra cơ hội để Bách Việt có được công trình đầu tiên tại Phú Yên.
Tới đây, Bách Việt sẽ tiếp tục đầu tư tổ hợp trạm dừng nghỉ, trung tâm cứu hộ và mua bán vật tư xăng dầu, cây xăng cùng nhiều công trình phụ trợ khác.
Việc tham gia đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và thu hút hàng nghìn lao động địa phương về với Bách Việt sẽ góp phần thay đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của Sơn Hòa - một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Yên, vốn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và cũng là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa miền núi và đồng bằng. Đó cũng chính là cơ hội bứt phá để huyện Sơn Hòa vươn lên theo hướng bền vững, bà Hằng khẳng định./.