Trong bối cảnh an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương phức tạp như hiện nay, người ta lo ngại không biết nước nào đủ khả năng dẫn dắt khu vực này trong thời gian tới và việc xây dựng những thỏa thuận hợp tác sẽ ra sao để khu vực trở nên an toàn hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Diễn đàn Đông Á mới đây có bài phân tích của tác giả Gareth Evans, người từng đảm nhiệm vai trò Ngoại trưởng Australia giai đoạn 1988-1996, Chủ tịch Nhóm khủng hoảng quốc tế giai đoạn 2000-2009 và hiện là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia.
Từ cuối những năm 1980, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của nhiều cơ chế hợp tác khu vực. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), được thành lập năm 1989 và được thể chế hóa từ năm 1993, vẫn là một tổ chức đối thoại về kinh tế lớn trong khu vực. Các vấn đề an ninh thường xuyên được thảo luận bên lề hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này.
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), nhóm họp từ năm 1994 ở cấp ngoại trưởng và hiện có 27 nước thành viên, được dự định phát triển qua ba giai đoạn: bắt đầu bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, sau đó chuyển sang vai trò phòng ngừa xung đột, cuối cùng là quản lý và giải quyết xung đột.
ARF đã thực hiện một số công việc rất có ích khi đề xuất thảo luận về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và phát triển khả năng hợp tác cứu trợ thiên tai, cũng như một số cuộc đối thoại thường xuyên hữu ích về các vấn đề như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị.
Tuy nhiên, ARF phần lớn vẫn bị mắc kẹt ở mục tiêu đầu tiên - đối thoại về xây dựng lòng tin - chứ không phải chạy theo những hoài bão rằng ARF sẽ làm được một cái gì đó đáng kể hơn.
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) được khởi xướng năm 2005 với các cuộc họp lãnh đạo cấp cao. EAS đã phát triển vượt ra khỏi nhóm ASEAN+3, bổ sung thêm ba quốc gia khác (Ấn Độ, Australia và New Zealand), và kể từ năm 2014 có thêm Mỹ và Nga tham gia.
Mặc dù EAS chưa có được những hiệu quả thực chất nhưng nó vẫn có tiềm năng trở thành nhóm quan trọng nhất, không chỉ vì có đầy đủ sự tham gia của các quốc gia chủ chốt trong khu vực mà vì (không giống như ARF) nó đáp ứng ở mức cao nhất, và (không giống như APEC) nó có thể giải quyết các vấn đề địa chính trị và kinh tế.
Ở mức độ nào đó, động lực cho tất cả tiến trình và các tổ chức này là sự công nhận cần thiết phải có những biện pháp đa phương để giải quyết các vấn đề an ninh liên quan. Nhiều vấn đề hiện nay ở châu Á và những nơi khác, các quốc gia không thể tự đơn phương giải quyết, cho dù có mạnh đến đâu. Những vấn đề này bao gồm: khủng bố, an ninh hàng hải, kiểm soát vũ khí, buôn bán ma túy, buôn người, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, quản lý người tị nạn, và mất cân đối lớn trong tài chính và thương mại, tất cả cần phải có sự phối hợp giải quyết.
Hành động tập thể gần như lúc nào cũng tốt hơn hành động đơn phương. Hành động đơn phương có thể đóng góp quan trọng để giải quyết vấn đề, nhưng các giải pháp đơn phương, thậm chí có thể gây ra sự oán giận và căng thẳng, dễ thất bại hơn so với những giải pháp dựa trên sự đồng thuận.
Trong một số vấn đề có thể xuất hiện khả năng giải quyết song phương nhưng tốt hơn nhiều nếu được giải quyết trong khuôn khổ đa phương, ví dụ các hiệp định thương mại tự do, các hiệp ước kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Cuối cùng, các cuộc họp thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo khu vực sẽ giúp xây dựng các mối quan hệ cá nhân gần gũi và tin tưởng, va chạm hoặc đụng độ sẽ hiếm khi xảy ra và việc thích ứng hòa bình với các thực thể quyền lực mới sẽ dễ dàng và lâu bền hơn.
Tất nhiên, với những gì được đề cập ở trên, trong tương lai những vấn đề về hình thức (những ai ngồi quanh bàn đàm phán và vào thời điểm nào) sẽ ít được quan tâm mà tập trung nhiều hơn vào thực chất: những nhà thương thuyết chính xác đề cập đến vấn đề gì và kết quả từ các cuộc thảo luận đó có khả năng thực hiện được hay không? Chúng ta cần đối thoại và hợp tác một cách thực chất chứ không phải là những bức hình cùng những bài phát biểu được chuẩn bị sẵn. Tất cả những nỗ lực sẽ chỉ có giá trị nếu thực sự giúp tăng cường sự ổn định, thịnh vượng, an ninh quốc gia và an ninh cho người dân.
Với kinh nghiệm từng là Ngoại trưởng Australia giai đoạn 1988-1996, làm việc chặt chẽ với Indonesia trong việc triển khai kế hoạch hòa bình ở Campuchia của Liên hợp quốc hay với ASEAN và các đồng nghiệp trong việc xây dựng APEC và ARF thời kỳ đầu, ông Gareth Evans tin rằng những "cường quốc bậc trung" tràn đầy năng lượng và sáng tạo trong khu vực có thể là những nước hiệu quả nhất trong việc tạo ra những cơ chế hợp tác mới.
Theo ông Gareth Evans, biện pháp đặc trưng trong chính sách ngoại giao của cường quốc bậc trung là xây dựng liên minh với những nước có cùng chí hướng. Cần phải có niềm tin vào lợi ích và sự cần thiết của việc hợp tác với những quốc gia khác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt những vấn đề mà bản chất của chúng một quốc gia đơn lẻ không thể tự giải quyết cho dù nước đó có lớn mạnh đến đâu.
Việc những nước lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc ban đầu miễn cưỡng ủng hộ và tham gia APEC, ARF và EAS sẽ là cơ sở để hy vọng rằng vai trò bảo đảm an ninh của khu vực trong tương lai sẽ được chia sẻ. Đây chính là thời điểm thích hợp để các cường quốc bậc trung "đứng lên" cân bằng quyền lực ở khu vực./.