Đã đến lúc các doanh nghiệp phân tách cổ phiếu giá trị cao?

Apple và Tesla sẽ phân tách cổ phiếu của họ để đẩy giá mỗi cổ phiếu xuống thấp hơn, sau đó Amazon, Chipotle hoặc Netflix có thể là những công ty “tiếp bước.”
Đã đến lúc các doanh nghiệp phân tách cổ phiếu giá trị cao? ảnh 1Biển tên phố Wall gần Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo giới quan sát, Apple và Tesla sẽ phân tách cổ phiếu của họ để đẩy giá mỗi cổ phiếu xuống thấp hơn, sau đó Amazon, Chipotle hoặc Netflix có thể là những công ty “tiếp bước.”

Điểm chung là giá cổ phiếu của những công ty này đều ở mức 3 và 4 chữ số.

Bằng cách hoàn thành việc phân tách cổ phiếu theo tỷ lệ 4:1 (1 cổ phiếu cũ đổi 4 cổ phiếu mới) vào cuối tháng Tám này, giá cổ phiếu của Apple sẽ giảm từ mức hiện thời là khoảng 460 USD/cổ phiếu xuống giao dịch còn khoảng 115 USD/cổ phiếu.

[Giá trị vốn hóa thị trường của Apple tiến gần mức 2.000 tỷ USD]

Tương tự, cổ phiếu Tesla hiện dao động quanh mức 1.875 USD/cổ phiếu sẽ xuống khoảng 375 USD/cổ phiếu sau khi phân tách theo tỷ lệ 5:1.

Cổ phiếu của cả Apple và Tesla đều tăng kể từ khi thông báo về việc phân tách. Điều đó khiến các chuyên gia đầu tư tự hỏi liệu những cổ phiếu có giá cao tương tự - chẳng hạn như Amazon hay Netflix - cũng có động thái như vậy trong thời gian tới hay không.

Ông Daniel Betancourt, một quản lý cấp cao của trang đầu tư OptionsSwing, cho biết nếu các công ty đang có giá cổ phiếu siêu đắt đỏ cũng tiến hành việc phân tách cổ phiếu, những cổ phiếu này có thể còn tăng cao hơn nữa.

Ông Betancourt nói thêm các công ty có thể muốn giảm giá cổ phiếu của họ để thu hút thêm các nhà đầu tư trẻ hơn, những người có thể không đủ khả năng mua nhiều cổ phiếu đắt đỏ của một công ty giá trị cao.

Việc phân tách cổ phiếu chỉ đơn giản là làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, do vậy sẽ không có công ty nào thực sự mất đi giá trị.

Ví dụ như cổ phiếu của Amazon hiện đang ở gần mức 3.300 USD/cổ phiếu và doanh nghiệp này đã không phân tách cổ phiếu lần nào kể từ năm 1999 tới nay.

Một mã cổ phiếu rẻ hơn là của Netflix có giá gần 500 USD. Lần phân tách cuối cùng của họ diễn ra vào năm 2015.

Tương tự, Alphabet - công ty mẹ của Google - cũng có cổ phiếu giao dịch ở mức hơn 1.500 USD. Công ty này chưa phân tách lần nào kể từ một đợt phân tách cổ phiếu gây tranh cãi vào năm 2012.

Thay vì chỉ đơn giản là giảm giá, Alphabet đã phát hành một loại cổ phiếu mới loại C không có quyền biểu quyết.

Trên đây chỉ là một vài cổ phiếu blue-chip nổi tiếng trong nhóm chỉ số S&P 500 phù hợp để tiến hành phân tách.

Ông Michael Kelly, một quản lý cấp cao tại công ty tư vấn tài chính PineBridge, cho biết sau một thời gian dài gián đoạn, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang dần quay trở lại với cổ phiếu.

Chuyên gia này lưu ý việc phân tách cổ phiếu thường nhắm tới các nhà đầu tư cá nhân, vì các nhà đầu tư tổ chức không thực sự quan tâm đến giá cổ phiếu. Đó là bởi vì nhiều quỹ tương hỗ lớn, quỹ phòng hộ và quỹ hưu trí tập trung nhiều hơn vào các chỉ số định giá, như lợi nhuận ước tính và tiềm năng tăng trưởng doanh số của một công ty thay vì giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng các công ty có giá cổ phiếu cao sẽ vội vàng tiến hành phân tách.

Mặc dù đúng là nhà đầu tư nhỏ lẻ khó có thể mua được một cổ phiếu của Amazon, các ứng dụng giao dịch như Robinhood và nhiều nhà môi giới trực tuyến khác đã đưa ra cái gọi là “kế hoạch giao dịch phân mảnh,” trong đó cho phép nhà đầu tư chỉ mua một phần nhỏ của một cổ phần.

Nhiều nhà đầu tư cũng đang mua các quỹ ETF thụ động, vốn đã giúp họ tiếp cận các cổ phiếu giá trị cao thuộc nhóm FAANG (chỉ 5 công ty công nghệ lớn tại Mỹ là Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet) mà không cần phải mua cổ phiếu riêng lẻ của chính công ty. Xu hướng đó có khả năng vẫn tiếp diễn.

Ông Julian Emanuel, Giám đốc chiến lược về vốn chủ sở hữu và phái sinh của công ty môi giới BTIG, nhận định sự gia tăng trong xu hướng giao dịch trực tuyến miễn phí và giao dịch phân mảnh khiến giá cổ phiếu tính theo đồng USD của một công ty trở nên không còn quan trọng với nhiều nhà đầu tư.

Rốt cuộc, giá cổ phiếu quá cao cũng không khiến nhà đầu tư lo ngại là bao. Cổ phiếu của Amazon đã tăng gần 80% trong năm nay, còn cổ phiếu Apple đã tăng hơn 55%.

Thậm chí cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 350% vào năm 2020 - bất chấp mức giá quá cao gần 1.900 USD cho một cổ phiếu.

Bà Lindsey Bell, chiến lược gia đầu tư của công ty tư vấn tài chính Ally Invest, cho biết với việc các công ty chia tách cổ phiếu, nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn ngoài việc chỉ mua một cổ phiếu.

Bà nói thêm rằng những cổ phiếu có giá cao ngày nay cũng đã phần nào trở thành một “biểu tượng danh dự” cho nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục