Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) đã đăng bài phân tích của tác giả Park Jung-won, hiện là Giáo sư Luật quốc tế tại Đại học Dankook (Hàn Quốc), với nhận định rằng đã đến lúc Hàn Quốc cần xây dựng chính sách răn đe và ngăn chặn hạt nhân để đối phó trước nguy cơ và đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Nội dung cụ thể như sau:
Triều Tiên hôm 16/4 vừa qua đã phóng thử nghiệm hai tên lửa tầm ngắn mới có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật ra Biển Nhật Bản. Trong khi đó, rất nhiều người theo dõi về Triều Tiên, đặc biệt là những thành phần có khuynh hướng tiến bộ trong xã hội Hàn Quốc, từng hoài nghi về khả năng Triều Tiên có thể nã vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, vụ thử thành công nói trên của Triều Tiên đã khiến những quan điểm lạc quan như vậy trở nên “ngây thơ” hơn bao giờ hết bởi nếu ngày mai Triều Tiên bất ngờ khai hỏa vũ khí hạt nhân để tấn công Hàn Quốc ở tầm thấp, thì Seoul vẫn sẽ không có biện pháp nào để ngăn chặn.
Trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine hiện nay, các nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu không "hạ" được Ukraine bằng các phương pháp tác chiến thông thường. Vì vậy, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đối với Hàn Quốc trong tương lai có thể trở nên giống hệt như mối đe dọa hạt nhân của Nga đối với Ukraine là điều có thể tính toán đến.
Việc người dân của một quốc gia dân chủ bình thường đặt ra những lo ngại như vậy là điều tự nhiên. Sẽ là điều bất thường nếu người dân Hàn Quốc không lo ngại về vấn đề này mà lại quan tâm đến những vấn đề chính trị đất nước.
Các cuộc tranh giành quyền lực giữa lực lượng người bảo thủ và lực lượng tiến bộ sẽ mang lại lợi ích gì nếu đất nước dễ bị tấn công hạt nhân hơn?
Mặc dù vậy, nhiều người dân và cả chính trị gia Hàn Quốc dường như nghĩ rằng trường hợp của Ukraine và Hàn Quốc về cơ bản là khác nhau. Nếu không, rất khó để giải thích cảnh tượng kỳ lạ khi các nhà lập pháp Hàn Quốc dõi theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đọc bài phát biểu qua truyền hình trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 11/4 vừa qua.
Mặc dù thực tế rằng những cảnh tượng bi thảm ở Ukraine giống với cảnh tượng của cuộc Chiến tranh Triều Tiên, song chỉ có khoảng 50 trong tổng số 300 nhà lập pháp Hàn Quốc xem và lắng nghe bài phát biểu của ông Zelenskyy.
Một số nghị sỹ tham dự nhưng lại không tập trung vào bài phát biểu, thay vào đó là nhìn vào điện thoại di động, trò chuyện hoặc ngủ gật.
Những hành động khiêu khích quân sự lặp đi lặp lại của Triều Tiên trong năm nay đã chứng tỏ nỗ lực phi hạt nhân hóa quốc gia láng giềng phương Bắc kéo dài 3 thập kỷ của Hàn Quốc đã hoàn toàn thất bại.
[Hàn Quốc không loại trừ khả năng Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân]
Trên Bán đảo Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Roh Tae-woo trước đây đã có cách tiếp cận tích cực đối với Triều Tiên khi Chiến tranh Lạnh kết thúc mà biểu hiện là việc ký kết Thỏa thuận cơ bản liên Triều và Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên năm 1991.
Kể từ đó, các chính phủ liên tiếp của Hàn Quốc, cho đến chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, đã thực hiện các chính sách liên Triều khác nhau, nhấn mạnh vào trao đổi và hợp tác, với kỳ vọng rằng nếu giúp đỡ về kinh tế thì Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân và thay đổi về chính trị.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này đều thất bại. Điều đáng thất vọng hơn nữa là, trước một thất bại chính sách thảm hại như vậy, không một nhà lãnh đạo nào trong các chính phủ kế tiếp của Hàn Quốc từng thừa nhận hoặc đưa ra lời xin lỗi về điều này.
Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post hôm 14/4 vừa qua, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nếu Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa, chính quyền của ông sẽ cung cấp nhiều lợi ích khác nhau như hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.
Tuy nhiên, liệu ông Yoon Suk-yeol có thực sự tin rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ năng lực hạt nhân mạnh mẽ mà họ đã dồn gần như toàn bộ nguồn lực nhà nước trong nhiều thập kỷ để phát triển để đổi lấy sự hỗ trợ kinh tế nhỏ bé như vậy từ Hàn Quốc hay không?
Mục tiêu cốt lõi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh về vấn đề hạt nhân Triều Tiên là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID).
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này. Triều Tiên hiện được cho là đang sở hữu khoảng 60 vũ khí hạt nhân và dự kiến sẽ tăng kho dự trữ lên 200 vũ khí hạt nhân vào năm 2027.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật vào một thành phố hoặc căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, liệu Mỹ có sử dụng “chiếc ô hạt nhân” trả đũa Triều Tiên để bảo vệ đồng minh của mình hay không? Nhiều người Hàn Quốc rất nghi ngờ về khả năng này.
Nếu như không thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo khuôn khổ trừng phạt hiện tại, mà một phần là do thiếu cam kết nhất quán của Trung Quốc và Nga như đã được minh chứng rõ ràng qua việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gần đây và sự bế tắc sau đó của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thì chính quyền sắp tới của ông Yoon Suk-yeol cần đánh giá lại lập trường của mình về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Nếu Mỹ không đảm bảo “khả năng răn đe đáng kể” và chỉ tiếp tục phản đối việc chia sẻ hạt nhân (một khái niệm trong chính sách răn đe hạt nhân của NATO), Hàn Quốc chắc chắn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự trang bị vũ khí hạt nhân để thoát khỏi nguy cơ bị Triều Tiên buộc làm “con tin hạt nhân” vô thời hạn.
Như nhiều chuyên gia an ninh Mỹ đã nhận xét, đã đến lúc Hàn Quốc cần xem xét nghiêm túc về việc trang bị vũ khí hạt nhân.
Theo Điều 10 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc có thể biện minh cho tuyên bố rút khỏi hiệp ước này bằng cách trình bày các lợi ích quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia của mình.
Trung Quốc rõ ràng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Hàn Quốc trong trường hợp này. Tuy nhiên sau đó, Hàn Quốc có thể yêu cầu Trung Quốc cần hành động thận trọng bằng cách kiên quyết gây sức ép buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo bất kỳ ý nghĩa thực sự nào sẽ chỉ có thể thực hiện được sau giai đoạn này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước khi kết thúc nhiệm kỳ với kênh tin tức JTBC (Hàn Quốc), Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in đã bác bỏ quan điểm của một số chính trị gia cho rằng Hàn Quốc cần trang bị vũ khí hạt nhân, coi đó là điều "vô lý," song không đưa ra các giải pháp thay thế thuyết phục.
Lập trường của ông Moon có vẻ rất tự mãn, ngay cả khi tuyên bố này của ông được đưa ra trước tình hình an ninh căng thẳng sau những hoạt động và tuyên bố của Triều Tiên hôm 25/4 vừa qua.
Vào ngày hôm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố quyết định mở rộng học thuyết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ngoài khả năng răn đe để bao gồm khả năng tấn công phủ đầu vì “lợi ích cơ bản” của quốc gia.
Giáo sư Park Jung-won đi đến kết luận rằng Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol nên thông báo cho Tổng thống Mỹ Joe Biden về tình hình cấp bách của Hàn Quốc, bằng cách trình bày tất cả các lựa chọn (bao gồm khả năng một Hàn Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân) tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn dự kiến diễn ra tại Seoul vào ngày 21/5 tới.
Chính Hàn Quốc, chứ không phải Triều Tiên, là bên cần thiết lập chính sách đề phòng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân ngay từ bây giờ./.