Vắcxin ngừa COVID-19 đã ra đời sớm hơn mong đợi và hiệu quả tới mức nhiều người không tin nổi đó là sự thật.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu vắcxin chưa ra đời ở thời điểm này, dịch COVID-19 có thể đã cướp đi mạng sống của khoảng hơn 150 triệu người trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo phân tích và dự báo của tạp chí The Economist mới đây, mọi phép màu đều có hạn chế.
Dù nhiều quốc gia đã tích cực triển khai chương trình tiêm chủng, sẽ là sai lầm nếu người ta cho rằng vắcxin sẽ giúp loài người xóa bỏ được hoàn toàn COVID-19 bởi dịch bệnh này sẽ chưa thể biến mất trong những năm tới.
Nội dung bài viết như sau:
Vắcxin thực sự là một phát minh kỳ diệu, nhất là khi các nhà khoa học có thể phát triển và điều chế thành công vắcxin chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện đã có khoảng 148 triệu y, bác sỹ tuyến đầu được tiêm chủng.
Tại Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 cao nhất thế giới hiện nay, tỷ lệ người dưới 60 tuổi chưa được tiêm chủng phải nhập viện cao hơn bao giờ hết, trong khi tỷ lệ người trên 60 tuổi đã được tiêm phòng phải nhập viện lại giảm mạnh.
[WHO khuyến cáo về những ảnh hưởng dài hạn của COVID-19]
Mặc dù vắcxin không đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ mắc COVID-19, song các số liệu cho thấy vắcxin đã cứu được nhiều sinh mạng và giúp nhiều người tránh được nguy cơ nhiễm bệnh nặng tới mức phải nhập viện.
Nhiều bằng chứng cho thấy vắcxin cũng có thể ngăn được virus lây lan, khiến đại dịch tiến triển chậm lại và nhờ vậy, nhiều khu vực có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa và hạn chế các lo ngại về những đợt bùng dịch mới khiến hệ thống y tế lại quá tải.
Trong những tháng tới, nhiều kết quả nghiên cứu mới được đưa ra sẽ chứng minh điều này dựa trên số liệu thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh tin tốt lành này, tin kém vui là virus SARS-CoV-2 sẽ chưa thể biến mất khỏi Trái Đất mà vẫn tiếp tục lan rộng.
Người ta ngày càng nhận ra rằng loài người có thể sẽ phải sống chung với virus SARS-CoV-2 và các chính phủ cần phải có sự chuẩn bị để ứng phó với tình hình mới.
Lý do đầu tiên dẫn đến nhận định này là thực tế việc sản xuất và phân phối đủ vắcxin để chích ngừa cho khoảng 7,8 tỷ người trên thế giới là nhiệm vụ bất khả thi.
Thậm chí tại Anh, nơi tốc độ tiêm chủng cho người dân có thể nói là nhanh hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, việc tiêm chủng cho toàn bộ công dân trên 50 tuổi trước tháng Năm tới cũng là điều không thể. Đó là chưa kể tới tính hiệu quả của vắcxin sẽ giảm dần theo thời gian và cần tiêm các liều nhắc lại.
Bên ngoài khối các nước giàu thì khoảng 85% các quốc gia còn lại chưa có chương trình tiêm chủng. Vì vậy, hoàn toàn có thể khẳng định về sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong thời gian người dân toàn thế giới được tiêm chủng, nếu có.
Một lý do nữa khiến loài người không thể xóa bỏ hoàn toàn được dịch COVID-19 là bởi dù cho vắcxin có ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh hoặc làm giảm độc lực của virus, nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2 làm giảm hiệu quả của vắcxin.
Các chủng mới đều có tính lây nhiễm nhanh hơn, như chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 25-40%. Chính vì vậy, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, các quốc gia vẫn cần phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Đáng lo ngại hơn, nhiều chủng virus mới hiện có khả năng “lẩn tránh” vắcxin. Chủng mới phát hiện ở Anh và ở Nam Phi có thể phá hủy được tính miễn dịch mà những người từng mắc COVID-19 trước đó đã có được.
Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục lây lan và khiến những người chưa được tiêm chủng hoặc chưa có kháng thể bị nhiễm bệnh.
Lý do thứ ba đáng lo ngại là thực tế nhiều người vẫn lựa chọn không tiêm vắcxin.
Ví dụ ở Anh, khoảng 10 triệu người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 vì tuổi tác hoặc do có bệnh nền, và nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần 10% nhóm người này từ chối tiêm chủng và lệnh giãn cách xã hội được bãi bỏ, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan ở mức độ cao và số ca nhiễm cũng như tử vong sẽ lại tăng vọt.
Trên thực tế, tỷ lệ người không tiêm vắcxin chắc chắn còn cao hơn nhiều so với số liệu trong nghiên cứu.
Hiện vắcxin cũng chưa được cấp phép để tiêm cho trẻ em. Nhiều cộng đồng thiểu số ở các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao lại thiếu lòng tin vào chính phủ cũng như hệ thống y tế quốc gia.
Thậm chí ngay cả trong giới y bác sỹ cũng có nhiều người từ chối tiêm chủng dù chính họ là những người chứng kiến tận mắt sức tàn phá khủng khiếp của virus.
Với sự xuất hiện của các chủng mới như hiện nay, cần phải có khoảng 80% dân số đã miễn dịch thì mới đảm bảo việc trung bình một cá thể bị nhiễm chỉ có thể lây bệnh cho chưa tới một cá thể khác - ngưỡng xác định việc đã đẩy lùi dịch bệnh hay chưa. Tuy nhiên, khả năng này là rất khó xảy ra.
Với tất cả những lý do vừa nêu ở trên, chính phủ các quốc gia trên thế giới cần phải có kế hoạch đối phó với COVID-19 như một bệnh dịch lâu dài chứ không chỉ là một kế hoạch khẩn cấp và tức thời.
Họ phải xây dựng lộ trình vạch rõ các giai đoạn để chuyển đổi từ các biện pháp đối phó khẩn cấp sang áp dụng các chính sách bền vững về mặt kinh tế và xã hội.
Quá trình chuyển đổi này có thể sẽ khó khăn hơn ở những quốc gia đã có sự đầu tư đáng kể để về cơ bản thành công trong việc dập dịch COVID-19 như ở Trung Quốc, nơi trên thực tế chương trình tiêm chủng đang được triển khai khá chậm chạp.
Điều chỉnh cuộc sống để sống chung với COVID-19 là điều mỗi người nên làm. Thay vì phong tỏa và đóng cửa trường học, công sở, và nhiều hạ tầng khác, kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng, mỗi cá nhân nên có trách nhiệm nhiều hơn.
Thói quen đeo khẩu trang có thể phải trở thành một phần trong cuộc sống bình thường; hộ chiếu có ghi thông tin tiêm chủng và hạn chế tụ tập đông người có thể sẽ trở thành quy định bắt buộc người dân phải thực hiện. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao phải được theo dõi sát sao và những người từ chối tiêm chủng cần được giải thích và thuyết phục.
Giai đoạn sắp tới của đai dịch vẫn khó lường, song dù không thể xóa sổ hoàn toàn COVID-19, vẫn phải thừa nhận rằng bức tranh toàn cảnh đã sáng sủa hơn so với những kịch bản có thể xảy ra, và điều này có được là nhờ sự phát triển của y học toàn cầu./.