Với chủ trương hướng tới “Thành phố môi trường," Đà Nẵng đang không ngừng nỗ lực xây dựng chính sách, chương trình hành động để trở thành thành phố tiên phong trong việc góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu; trong đó tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là một trong chủ trương chính sách của thành phố.
Thực hiện chủ trương đó, sáng 27/9, Dự án Phát triển Năng lượng Mặt trời (DSED) tổ chức lễ khánh thành hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019 với mục tiêu tăng cường nhận thức của công chúng đối với nhu cầu cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu.
[Khai mạc Triển lãm quốc tế Năng lượng Mặt Trời Việt Nam 2019]
Đây là một trong 10 hệ thống điện Mặt Trời lắp mái được lắp đặt thí điểm tại 4 cơ sở công ở Đà Nẵng, gồm Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Trường Trung học cơ sở Hoàng Diệu, trường tiểu học Võ Thị Sáu với công suất 8,25 kWp/hệ và 6 hộ gia đình có công suất 2,75 kWp/hệ, góp phần giảm lượng phát thải nhà kính 34,96 tấn CO2/năm.
Thông tin tại buổi lễ cho biết, việc lắp đặt thí điểm 10 hệ thống điện năng lượng mặt trời góp phần giảm lượng phát thải nhà kính khoảng 34,96 tấn CO2/ năm với tổng công suất lắp đặt 49,5 kWp.
Tổng sản lượng điện tạo ra là 72.270 kWp/năm, trong đó tổng chi phí tiết kiệm điện hằng năm đối với cơ sở công là 25 triệu đồng/hệ và đối với gia đình là 8,6 triệu đồng/hệ.
Ông Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, sau 3 tháng đi vào vận hành, hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái đã sản xuất 3,56 kWp tổng sản lượng điện, góp phần tiết kiệm từ 25-30% tổng nhu cầu sử dụng điện của nhà trường.
Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, cho biết hệ thống điện năng lượng Mặt Trời được lắp đặt tại trường tiểu học Võ Thị Sáu góp phần giảm thiểu lượng điện, đồng thời nâng cao nhận thức cho các thầy cô, các em học sinh về lợi ích mà nguồn năng lượng Mặt Trời mang lại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Koen Duchateau, Trưởng Ban Hợp tác và phát triển-Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ trong tương lai, năng lượng được dự báo là nguồn chính gây phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.
Dự báo cho thấy vào năm 2030, phát thải khí nhà kính ở Việt Nam có thể tăng gấp 3 lần và 80% từ lĩnh vực năng lượng.
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức phức tạp trong việc cung cấp năng lượng đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, huy động tài chính để đầu tư vào hạ tầng sản xuất điện, đồng thời phải hạn chế phát thải CO2 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc đầu tư vào điện năng lượng Mặt Trời có thể góp phần giảm thải khí CO2 và tiết kiệm chi phí.
Từ việc thực hiện thành công dự án phát triển năng lượng Mặt Trời ở Đà Nẵng, Liên minh châu Âu rất muốn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng dự án ra các thành phố ở Việt Nam./.