Đà Nẵng: Quy hoạch cảng biển phải gắn với quy hoạch chung thành phố

Đà Nẵng: Quy hoạch cảng biển phải gắn với quy hoạch thành phố

Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cần có phương án đề xuất cuối cùng về quy hoạch cảng biển để tích hợp vào quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 7/11, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì Hội thảo Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm phân tích, đánh giá, lấy ý kiến chuyên sâu từ các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện và đảm bảo chất lượng cuối cùng của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, việc phát triển cảng biển như thế nào sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế của thành phố, ảnh hưởng đến phát triển cấu trúc đô thị, phát triển mạng lưới giao thông; do vậy, cần khẩn trương có phương án đề xuất cuối cùng, để tích hợp vào quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề xuất hai phương án quy hoạch cảng biển

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là định hướng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong thời gian đến; trong đó, phần hạ tầng cơ sở giao thông đóng góp vai trò thiết yếu đối với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống cảng biển gắn với dịch vụ logistics được xác định là một trong 5 mũi nhọn kinh tế đã được nêu trong Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề xuất ý tưởng quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố, đơn vị tư vấn, Công ty Surbana Jurong, đưa ra hai phương án: xây dựng cảng Liên Chiểu, hoạt động song song cùng với cảng Tiên Sa; mở rộng cảng Tiên Sa, không xây dựng cảng Liên Chiểu.

[Đà Nẵng đề nghị sớm bố trí 500 tỷ đồng cho dự án cảng Liên Chiểu]

Đối với phương án thứ nhất, xây dựng cảng Liên Chiểu, hoạt động song song cùng với cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu sẽ có chức năng là cảng chính cho hàng hóa và logistics, với chiều dài bến 3.740m.

Cảng Tiên Sa bổ sung cho cảng Liên Chiểu trong hoạt động logistics, đồng thời có chức năng chủ yếu phục vụ cho du lịch. Tuy vậy, theo đơn vị tư vấn, việc xây dựng cảng Liên Chiểu rất có thể sẽ tạo ra nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng, bởi hai luồng tàu ra vào các cảng, nạo vét luồng tàu nối thông 2 cảng sẽ ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn vào thành phố.

Bên cạnh đó, cần tính đến sự cần thiết hình thành cùng lúc hai cảng hay không, với thực tế là nền tảng về công nghiệp sản xuất của cả Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận hiện đang rất mỏng; ngoài ra, Huế và Quảng Nam cũng đã có cảng riêng.

Vịnh Đà Nẵng là tài nguyên, là cơ hội lớn để phát triển trong tương lai, cần được gìn giữ, bảo đảm môi trường bền vững, phục vụ phát triển du lịch thành phố.

Với phương án chỉ mở rộng cảng Tiên Sa, đơn vị tư vấn cho rằng, cảng Tiên Sa còn nhiều tiềm năng để mở rộng, với khả năng xây dựng chiều dài cầu tàu lên đến 5.800m, đáp ứng cả chức năng logistics và phục vụ du lịch.

Đồng thời, đơn vị tư vấn cũng đề xuất mở rộng Cụm logistics và Cụm hàng hải, theo đó, Đà Nẵng có thể trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng Hành lang kinh tế Đông-Tây; liên kết với các trung tâm khu vực khác bao gồm: Thâm Quyến, Clark Air Base (Philipines), Hong Kong và Singapore, biến cảng Đà Nẵng trở thành cảng dịch vụ quan trọng của Lào, một phần của miền Đông Thái Lan và phía Bắc Campuchia qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2.

Theo định hướng này, Cảng Đà Nẵng sẽ phát triển trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực Đông Nam Á.

Để giải quyết bài toán giao thông cho phương án mở rộng cảng Tiên Sa, đơn vị tư vấn đề xuất giải tỏa để khơi thông Âu thuyền Thọ Quang nối qua sông Hàn; luồng tàu hàng vào Âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước; kết nối giao thông cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa nối vào Điện Biên Phủ. Phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến cồn Mân Quang là bến tàu du lịch; sử dụng cầu Thuận Phước và đường Nguyễn Tất Thành để lưu thông du lịch.

Cân nhắc lựa chọn phương án quy hoạch cảng biển phù hợp

Bãi xếp Container tại cảng Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tham gia ý kiến tại hội thảo, đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, với phương án mở rộng cảng Tiên Sa, thành phố cần xem xét đến một yếu tố rất quan trọng là sự khó khăn, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, thực tế phát triển, lượng hàng dự báo phát triển sẽ vượt năng lực của khu bến Tiên Sa sau năm 2020, và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty Royal Haskoning DHV Việt Nam (Hà Lan) cũng cho rằng, không nên ngay lập tức loại bỏ phương án xây dựng cảng Liên Chiểu, mà cần xem xét đến những vấn đề bất cập khi mở rộng cảng Tiên Sa như giải phóng mặt bằng, giao thông xuyên tâm đô thị gây ùn tắc và tai nạn… từ đó có sự nghiên cứu, lựa chọn phương án thích hợp.

Theo đại diện đến từ thành phố Yokohama, để đưa ra được phương án quy hoạch cảng biển tối ưu nhất, trước tiên, thành phố Đà Nẵng cần xác định rõ nhu cầu sử dụng cảng biển trong tương lai, sẽ ưu tiên phát triển cảng du lịch nhiều hơn hay cảng hàng hóa nhiều hơn, từ đó có phương án quy hoạch thích hợp.

Đối với phương án mở rộng cảng Tiên Sa, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) cho rằng, cảng Tiên Sa có diện tích nhỏ không thể mở rộng, không có nơi bố trí hậu phương cảng; không thể phát triển cùng lúc cả 2 lĩnh vực hàng hóa và du lịch và kể cả quốc phòng.

Tuy nhiên, để đưa ra được đề xuất chọn phương án nào cho quy hoạch cảng biển Đà Nẵng cần rất nhiều dữ liệu như chi phí đầu tư, vòng đời dự án… để phân tích, đánh giá, so sánh.

Tán thành với quan điểm này, đại diện Công ty Japan Port Consultants cho rằng, trong tương lai cảng Đà Nẵng sẽ vượt công suất 40 triệu tấn/năm, điều này có nghĩa, sớm hay muộn vẫn phải đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, nếu muốn biến Đà Nẵng thành một thành phố tầm cỡ khu vực.

Bên cạnh đó, cần xem xét đến một yếu tố kỹ thuật khi mở rộng cảng Tiên Sa, đó là lượng sa bồi rất lớn vào mùa mưa, gây chi phí lớn cho công tác nạo vét.

Phần lớn ý kiến các đại biểu tại hội thảo đều cho rằng cần hết sức cân nhắc lựa chọn phương án quy hoạch cảng biển phù hợp

Theo đại diện Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, không nên mở rộng cảng Tiên Sa, bởi sẽ gây tác động đến bán đảo Sơn Trà, đồng thời giao thông kết nối phức tạp, không thuận lợi; trong khi đó, cảng Liên Chiểu có cơ hội kết nối giao thông tốt, cả bằng đường sắt và đường bộ cao tốc, có cơ hội phát triển hậu phương cảng dựa vào khu công nghiệp Liên Chiểu, cơ hội logistics rộng hơn so với cảng Tiên Sa. Vì vậy, đề xuất sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp, sớm đề xuất với thành phố phương án quy hoạch cảng biển Đà Nẵng với giải trình đầy đủ, thuyết phục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục