Ngày 23/6, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay đã thu hút thêm 11 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng; trong đó, có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145,3 triệu USD và 8 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 188,4 tỷ đồng.
Đây là những thành quả đáng khích lệ đối với hoạt động xúc tiến đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp, gây ảnh hướng lớn tới sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế.
Tháng 2/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư gần 285 triệu USD.
Đồng thời, Đà Nẵng công bố chủ trương Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2025.
[Đà Nẵng chủ trương phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao]
Trong năm 2021, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư.
Ban quản lý tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, ít sử dụng đất.
Ban quản lý đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế, các doanh nghiệp tổ chức và tham gia các hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước. Duy trì quan hệ và cung cấp thông tin cho các tổ chức xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp: KOTRA (Hàn Quốc), JETRO (Nhật Bản), Amcham (Hoa Kỳ)…
Lũy kế đến nay, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng đã thu hút được tổng cộng 499 dự án, gồm 368 dự án đầu tư trong nước (26.696 tỷ đồng) và 131 dự án FDI (1.744,4 triệu USD).
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong các khu công nghiệp, Đà Nẵng đã chủ động kích hoạt nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.
Để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người lao động, ông Phạm Trường Sơn cho biết Ban quản lý đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, 6 tháng qua, Ban quản lý đã kiểm tra 250 doanh nghiệp, đề xuất xử phạt đối với 3 doanh nghiệp vi phạm, đồng thời tổ chức lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân, người lao động với tổng cộng 60.499 người; hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho 100% các doanh nghiệp; đã có 393 doanh nghiệp nộp đăng ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, 366 doanh nghiệp nộp đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 và 100% doanh nghiệp thực hiện khai báo y tế khi ra vào cơ sở...
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch COVID-19, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, xuất khẩu.
Đồng thời, thành phố sẽ tập trung hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Nam và triển khai các thủ tục đầu tư, xúc tiến đầu tư đối với các cụm công nghiệp: làng đá chẻ Hòa Sơn, làng đá Non Nước, sản xuất vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và khẩn trương tổ chức triển khai đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi được phê duyệt chủ trương đối với 3 khu công nghiệp mới gồm Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2), Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Khu công nghiệp Hòa Ninh.
Trước đó, tại Công văn số 158/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh giảm diện tích Khu Công nghiệp Hòa Nhơn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang từ 393,57ha xuống 360,59ha; bổ sung khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô diện tích là 58,531ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.
Việc điều chỉnh diện tích các Khu Công nghiệp Hòa Cầm, Khu Công nghiệp Hòa Ninh và Khu Công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2 thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng tập trung xây dựng các công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất./.