Trong phiên giao dịch 29/5, giá vàng thế giới đi xuống, trước đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Bên cạnh đó, bình luận từ một quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đè nặng lên tâm lý thị trường trước khi Mỹ công bố số liệu tiếp theo về lạm phát.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm gần 1% xuống 2.338,43 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống 2.361,50 USD/ounce.
Chiến lược gia Phillip Streible tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures nhận định sự mạnh lên của đồng bạc xanh, lợi suất trái phiếu và bình luận cứng rắn từ quan chức Fed là những cơn gió ngược đè nặng lên thị trường vàng.
Phiên này, đồng USD tăng 0,4% so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất gần một tháng.
Ngày 28/5, Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cho rằng ngân hàng trung ương này nên chờ đợi những tiến bộ đáng kể về lạm phát trước khi cắt giảm lãi suất.
Hiện các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo về Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - sẽ công bố ngày 31/5 theo giờ Mỹ để có thêm thông tin về thời điểm và quy mô của bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng nào trong năm nay.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ cải thiện trong tháng Năm sau khi giảm ba tháng liên tiếp nhờ tâm lý lạc quan về thị trường lao động.
Ông Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại tổ chức quản lý tài sản Exinity Group, cho rằng nếu số liệu PCE cao hơn dự kiến, triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến ngưỡng giá 2.300 USD của vàng.
Giá vàng thế giới phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần
Giá vàng giao ngay lên mức 2.346,31 USD/ounce sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần trong phiên trước do giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.