Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc-Trung Quốc họp về Triều Tiên

Đặc phái viên hàng đầu của Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk đề nghị Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại đối thoại, và giải quyết dứt khoát tình hình Bán đảo Triều Tiên.
Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc-Trung Quốc họp về Triều Tiên ảnh 1Đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk trả lời phỏng vấn tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, trước khi tới Nhật Bản, ngày 12/9/2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 29/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh và thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng như những tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin Yonhap, ông Noh Kyu-duk đã "đề nghị Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong các nỗ lực nhằm đưa Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại, đồng thời nêu bật sự cần thiết giải quyết dứt khoát tình hình Bán đảo Triều Tiên và nhanh chóng nối lại đàm phán."

[Anh kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán với Mỹ, Hàn Quốc]

Về phần mình, ông Lưu Hiểu Minh tái khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí gặp nhau trong tương lai gần để tiếp tục thảo luận.

Cuộc họp trực tuyến trên diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa siêu thanh hướng tới Biển Nhật Bản và chỉ ít ngày sau khi Bình Nhưỡng bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ liên Triều, thậm chí là thảo luận về một hội nghị thượng đỉnh ở Seoul với điều kiện Hàn Quốc chấm dứt chính sách "tiêu chuẩn kép" và thái độ thù địch đối với Triều Tiên.

Tầm quan trọng của tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cho rằng việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên có thể là một bước đi “rất hữu ích” và “ý nghĩa” để xây dựng lòng tin giữa hai miền và mở đường cho hòa bình và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu họp báo trước khi lên đường công du Đức, Bỉ và Thụy Điển, Bộ trưởng Lee In-young hối thúc Triều Tiên tiến tới đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa, quan hệ liên Triều và các vấn đề xuyên biên giới khác.

Bộ trưởng Lee In-young nêu rõ: “Lập trường của chính phủ chúng ta liên tục thể hiện rõ ràng rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh là con đường tới hòa bình và có thể là một bước đi rất có ý nghĩa, đóng vai trò là chất xúc tác cho việc phi hạt nhân hóa. Tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể là một bước đi rất hữu ích và có ý nghĩa giúp Hàn Quốc-Triều Tiên, Triều Tiên-Mỹ, và thậm chí các nước có liên quan khác từ bỏ ý định gây chiến và thù địch lẫn nhau, xây dựng lòng tin và khuyến khích họ tiến tới hòa bình và hợp tác.”

Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc-Trung Quốc họp về Triều Tiên ảnh 2Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young phát biểu trong một sự kiện ở làng đình chiến Panmunjom, khu vực biên giới liên Triều ngày 4/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Lee In-young, một tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể đạt được tiến bộ như vậy mà không gây ra bất kỳ gánh nặng kinh tế, quân sự và chính trị nào, đồng thời không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ vì đây là điều mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ông kêu gọi Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán sớm nhất có thể để thảo luận về việc khôi phục quan hệ liên Triều, hòa bình và thậm chí là phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, đa số người Hàn Quốc cho rằng cần tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) theo đề xuất của Tổng thống Moon Jae-in.

Theo kết quả cuộc khảo sát 1.000 người trưởng thành do Hội đồng Cố vấn thống nhất quốc gia tiến hành ngày 24-25/9, có tới 67,8% số người được hỏi cho rằng việc tuyên bố kết thúc cuộc chiến này là cần thiết. Trong số đó, 41,7% trả lời rằng tuyên bố này là "rất cần thiết," trong khi 26,1% nói rằng "cần thiết ở một mức độ nào đó." Trong khi đó, 29,4% số người được hỏi cho rằng việc này là không cần thiết.

Bên cạnh đó, 54,2% số ý kiến cho rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên khó có thể tái khởi động trong năm nay. Hơn 60% số người được hỏi cũng nhất trí về sự cần thiết phải nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trước khi nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vì những khó khăn mà Triều Tiên phải đối mặt, trong đó có sức khỏe cộng đồng và đại dịch COVID-19.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể diễn ra trong nhiệm kỳ Tổng thống mới

Ngày 29/9, Thư ký cấp cao về truyền thông Phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun cho biết hai miền Triều Tiên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nữa trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc nếu một cuộc gặp tương tự không thể diễn ra trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào năm tới.

Ông Park Soo-hyun phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh địa phương: "Ngay cả khi một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa không được tổ chức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ chính quyền Moon Jae-in, chính quyền tiếp theo có thể theo đuổi cuộc gặp này."

Ông nói thêm rằng chính quyền hiện nay có kế hoạch làm hết sức mình để tạo nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngoài nhiệm kỳ của ông Moon./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.