Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh ngày 6/7, trong đó phía Mỹ nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc của ông Sung Kim kể từ khi ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên về Triều Tiên tháng Năm vừa qua.
Phát biểu tại họp báo sau cuộc điện đàm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là vấn đề đòi hỏi sự phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh và cả Trung Quốc.
[Lãnh đạo Triều Tiên cam kết nâng tầm quan hệ chiến lược với Trung Quốc]
Ông nhấn mạnh chính quyền Bắc Kinh có thể đóng vai trò và có ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, ông Lưu Hiểu Minh nhấn mạnh tới các giải pháp ngoại giao cho hồ sơ hạt nhân Triều Tiên được thực thi "theo từng giai đoạn và đồng bộ."
Về đề nghị của Mỹ đàm phán với Triều Tiên, ông Price nhắc lại rằng Mỹ vẫn đang chờ đợi những phản ứng tích cực từ phía Triều Tiên.
Ông nói: "Chúng tôi đã nói rất rõ với Triều Tiên rằng chúng tôi sẵn sàng tham gia với tinh thần thiện chí và ngoại giao mang tính xây dựng.”
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh phía Mỹ tiếp tục để ngỏ các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên để giảm thiểu các nguy cơ từ Bình Nhưỡng và duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc Hàn Quốc mới đây, đặc phái viên hạt nhân Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim tái khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên "vào bất kỳ lúc nào và địa điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết."
Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc nối lại đàm phán ngoại giao về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên.
Triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên dường như ngày càng trở nên mờ mịt.
Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington.
Trong khi đó, một mặt để ngỏ kênh đối thoại song phương, một mặt Nhà Trắng vẫn gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm.
Các chuyên gia cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa./.