Ngày 19/9, tiếp tục phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm.
Bên cạnh phần bào chữa của luật sư, các bị cáo còn trực tiếp thực hiện quyền bào chữa cho mình trước tòa. Trong số này, bị cáo Hà Văn Thắm đã tự xin một tình tiết tăng nặng về mình, vì cho rằng hành vi của bị cáo đã đẩy các nhân viên dưới quyền trước đây của mình phải ra trước vành móng ngựa.
Bị cáo Hà Văn Thắm đã xin được nhận hết tội về mình để giảm nhẹ hình phạt cho họ.
Hà Văn Thắm: “Bị cáo thấy mình là người duy nhất hưởng lợi”
Trình bày phần tự bào chữa trước tòa, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, đây là một phiên tòa dân chủ, Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát đã lắng nghe đầy đủ các ý kiến của bị cáo và của các luật sư.
Về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," Hà Văn Thắm nhận tội, nhưng xin xem xét về việc mình không phải là chủ mưu. Bị cáo Thắm đã đưa ra 4 nội dung để xin giảm nhẹ hành vi vi phạm cho mình. Cụ thể, theo bị cáo Thắm, nguyên nhân OceanBank bị mất vốn là do khách hàng không sử dụng vốn đúng mục đích.
Mặt khác, các bên không thực hiện tuân thủ theo hồ sơ tín dụng, phía Ngân hàng Đại Tín không thực hiện phong tỏa tài khoản theo hợp đồng cam kết 3 bên, đây là nguyên nhân chính trong việc để mất 500 tỷ đồng của OceanBank.
Bị cáo Thắm cũng phân tích bị cáo không có động cơ, mục đích để chủ mưu thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho chính ngân hàng của mình.
Liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung, bị cáo Thắm cho rằng mình không đủ khả năng cũng như không đủ bản lĩnh để đe dọa và ép buộc bị cáo Hứa Thị Phấn, vì bà Phấn là một doanh nhân lâu năm, bên cạnh bà Phấn còn có nhiều luật sư giỏi nên họ hoàn toàn có thể làm chủ tình huống.
Khi thực hiện ký hợp đồng cho vay, Hứa Thị Phấn gọi duy nhất một lần cho bị cáo Thắm khi Hội đồng tín dụng đã quyết định thông qua khoản vay này. Bị cáo cho rằng, mình không phải là chủ mưu trong hành vi Vi phạm quy định về cho vay.
Về hành vi Cố ý làm trái, Thắm thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng xin nhìn nhận ở góc độ, bị cáo mang lại lợi ích cho ngân hàng của mình chứ không phải gây thiệt hại cho ngân hàng. Bị cáo xin được phán xét một cách công tâm.
Hà Văn Thắm xin Hội đồng xét xử lưu ý một số tình tiết giảm nhẹ. Đó là hoàn cảnh của bị cáo lúc quyết định dừng thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank.
Cũng tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành xử lý một số ngân hàng vi phạm quy định của Thông tư 02 về trần lãi suất. Việc xử lý này đa phần là xử lý hành chính, nặng hơn thì là cách chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng trong 3 năm.
Tuy nhiên, khi không thực hiện chi lãi ngoài, khách hàng của OceanBank ồ ạt rút tiền mang gửi sang ngân hàng khác. OceanBank đứng trước nguy cơ bị sụp đổ do mất thanh khoản. Nhìn sang việc xử lý các ngân hàng đã từng chi lãi ngoài chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, nên Hà Văn Thắm đã quyết định tiếp tục triển khai chủ trương chi lãi ngoài, nhằm cứu ngân hàng. Vì vậy, Thắm mong Hội đồng xét xử xem xét công tâm hoàn cảnh khi thực hiện hành vi vi phạm này.
Sau khi trình bày 4 tình tiết giảm nhẹ, Hà Văn Thắm đã xin một tình tiết tăng nặng về mình. Đó là trong suốt thời gian xét xử, về hành vi Cố ý làm trái, bị cáo thấy mình là người duy nhất hưởng lợi. Các bị cáo khác là nhân viên cấp dưới không được hưởng lợi gì mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, bị cáo Thắm xin được nhận tội thay cho các bị cáo và nhấn mạnh: “Nếu việc nhận tội này để đồng nghiệp của bị cáo không phải chịu tội thì bị cáo xin được nhận tội cho các bị cáo khác và chịu mức cao nhất của tội Cố ý làm trái."
Luật sư đề nghị cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo
Theo bản luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc Khối kế toán và giao dịch trong nước OceanBank) cùng Giám đốc các khối thuộc Hội sở đã giúp sức tích cực cho Hà Văn Thắm trong việc chi lãi ngoài huy động vốn; triển khai, chỉ đạo cấp dưới thực hiện và trực tiếp thực hiện việc chi lãi ngoài.
Từ chỉ đạo của bị cáo Lê Thị Thu Thủy, bị cáo Vũ Thị Thùy Dương đã chỉ đạo nhân viên Khối Kế toán căn cứ theo bảng kê danh sách khách hàng do Khối nguồn vốn, Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược, Khối khách hàng cá nhân lập, ký duyệt để hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh, phòng giao dịch, chi lãi ngoài cho khách hàng với số tiền hơn 307 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương còn chỉ đạo Khối kế toán hạch toán chi tiền thẳng từ tài khoản 801 hơn 172 tỷ đồng cho Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thị Minh Phương. Từ những hành vi này, bị cáo Vũ Thị Thùy Dương bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 9 - 10 năm tù phải liên đới chịu trách nhiệm về các số tiền trên, tổng cộng hơn 479 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Thùy Dương, luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng cáo buộc trên của Viện kiểm sát là chưa thực sự khách quan, chưa đánh giá chứng cứ một cách toàn diện nên đã đánh giá về hành vi và đề nghị mức hình phạt quá nặng, thiếu công bằng trong sự tương quan với các bị cáo khác trong Hội sở và chi nhánh.
Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương cũng chỉ là người làm công ăn lương, theo chế độ Hợp đồng lao động, không được hưởng bất kỳ khoản lợi ích nào ngoài tiền lương tháng được nhận cũng như các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch.
Bên cạnh đó, Khối kế toán chỉ thực hiện phản ánh các nghiệp vụ kế toán một cách đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ phát sinh. Khối kế toán cũng chỉ là một Khối hội sở nhưng không phải là cấp trên của các chi nhánh, chỉ đạo hay điều hành các chi nhánh, phòng giao dịch. Khối Kế toán cũng không phải là khối kinh doanh, không trực tiếp làm việc với khách hàng mà chỉ hạch toán dựa trên Bảng danh sách do các khối chuyển đến. Do đó, Khối Kế toán không thể biết tiền chi cho những khách hàng nào để tìm cách thu hồi khắc phục như các chi nhánh, phòng giao dịch.
Từ những luận cứ trên, luật sư Trịnh Cẩm Bình đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc khi lượng hình cho bị cáo Vũ Thị Thùy Dương.
Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Bình, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trung Dung, luật sư Trần Văn Hùng cho rằng việc truy tố Trần Văn Bình về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là khiên cưỡng, chưa phù hợp với thực tế khách quan của vụ án cũng như quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Văn Hùng nêu, bị cáo Trần Văn Bình chỉ học hết lớp 6, nghề nghiệp chính là lái xe, không có chuyên môn nào khác, không hề biết Công ty Trung Dung ở đâu, ban điều hành gồm những ai và cũng không trực tiếp điều hành hoạt động của Công ty. Khi cần ký các tài liệu thì các nhân viên đưa lên cho Bình ký và Bình cũng không biết giấy tờ tài liệu đó dùng vào việc gì, có vi phạm pháp luật hay không.
Dẫn lời khai của Phạm Công Danh, luật sư khẳng định, bị cáo Trần Văn Bình không gặp trực tiếp, không được Phạm Công Danh chỉ đạo về việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của OceanBank.
Mặt khác, Trần Văn Bình còn bị hạn chế về hiểu biết pháp luật, không có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về tài chính, kế toán, ý thức của bị cáo chỉ đơn thuần giới hạn ở việc cho rằng mình làm, mình ký là hỗ trợ cho sự phát triển của tập đoàn, mang lại lợi ích chung cho tập thể. Do vậy, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Trần Văn Bình không phạm tội.
Ngày 20/9, các bị cáo tiếp tục tự bào chữa cho mình trước tòa./.