Ngày 30/8, tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong Vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ việc chi tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất.
Hà Văn Thắm xin xem xét lại tội danh
Trong phần thẩm vấn sáng 30/8, Hội đồng xét xử đã tập trung xét hỏi các bị cáo xung quanh hành vi phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt khoản tiền hơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC của Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm.
Về hành vi này, cáo trạng củaViện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định trong thời gian giữ chức vụ là Tổng Giám đốc OceanBank, đồng thời là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại OceanBank; lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng tiền gửi rất lớn tại OceanBank; với mục đích và động cơ cá nhân, Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đưa ra yêu cầu với Hà Văn Thắm việc chi tiền thêm “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định.
Từ đó dẫn đến chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua việc ký hợp đồng dịch vụ khống với Công ty BSC và chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu, Phạm Hoàng Giang, Hoàng Thị Hồng Tứ triển khai thực hiện, thu được số tiền 68,9 tỷ đồng, cùng với số tiền 445 triệu đồng được lấy từ nguồn tiền Công ty BSC vay của Công ty VNT và Hà Văn Thắm để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu của Sơn và Sơn đã chiếm đoạt được gần 69,4 tỷ đồng.
Khai trước Tòa, bị cáo Hà Văn Thắm cho biết Công ty BSC là do bị cáo thành lập và là chủ trương của bị cáo. BSC làm việc với một số khách hàng thỏa thuận về phí dịch vụ. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét lại vấn đề này vì khá nhiều khách hàng là bạn bè của bị cáo, họ không có phản hồi gì cả. Bị cáo Thắm cho rằng đây là thỏa thuận dân sự. Tiền thu được, bị cáo nghĩ là tiền của BSC nên chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn để chăm sóc khách hàng.
Bị cáo Thắm cho rằng với vị trí của mình thu 70 tỷ đồng, chỉ cần 1-2 khách hàng lớn, cho vay 500-700 tỷ đồng và nhận phần trăm chứ không cần phải lập một công ty. Khoản tiền như cáo trạng nêu trong hành vi thu phí của BSC là hơn 69 tỷ đồng theo bị cáo còn phải chi phí nhiều khoản như thuế và các khoản chi phí khác. Bị cáo cho rằng, chủ trương thành lập BSC là làm thật, hưởng thật.
[Video] Phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm
Nói về bị đổi tội danh từ Lợi dụng chức vụ sang lạm dụng chức vụ, Hà Văn Thắm xin xem xét lại sự việc. Theo bị cáo, vì một lý do nào đó Nguyễn Xuân Sơn khai không đúng sự thật. Sơn dùng tiền đó để chi cho khách hàng và sự việc này lặp đi lặp lại nhiều lần. Việc chi tiền chăm sóc khách hàng là để đảm bảo lợi nhuận cho Oceanbank.
Bị cáo cho rằng mình không giúp sức Sơn để chiếm đoạt, vì đấy là chi tiền cho khách hàng. Có chăng việc giúp sức ở đây là giúp Sơn chăm sóc khách hàng. Nếu Sơn chiếm đoạt, đó là hành động phát sinh thêm của Sơn, còn bị cáo không giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền.
Theo bị cáo Thắm, toàn bộ số tiền nhận được từ BSC đưa cho Sơn chăm sóc khách hàng. Còn Sơn chăm sóc ai, bị cáo Thắm không biết vì vai trò của Sơn là Tổng Giám đốc Oceanbank và cũng là thành viên của Hội đồng Quản trị. Khách hàng chủ yếu là những khách hàng mà Sơn quen biết.
Khi Hội đồng xét xử hỏi tại sao số tiền thu được từ BSC lại đưa cho bị cáo Sơn? Bị cáo Thắm trả lời là do nhu cầu chăm sóc khách hàng. Nhìn nhận về hành vi, Thắm cho rằng việc thu phí không sai. Cái sai ở chỗ bị cáo đã dùng tiền này để chăm sóc khách hàng vượt trần lãi suất quy định. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, sự thỏa thuận thu phí này chỉ được thừa nhận khi thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật.
Làm rõ "đường đi" của khoản tiền 246 tỷ đồng
Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng. Trong số tiền này có 246 tỷ đồng được chi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) theo yêu cầu của Sơn.
Về khoản tiền 246 tỷ đồng này, Sơn khai rằng dùng tiền đó để chi quà cáp, biếu xén, ngoại giao, tiền chi cho các đoàn công tác nước ngoài, chi cho công tác nhân đạo cứu trợ lũ lụt... Sơn khai đã chi chăm sóc khách hàng 200 tỷ đồng, gồm các khoản chi như các đoàn ngoại giao, chi cho các lãnh đạo khác của PVN, chi cho các doanh nghiệp như Vietsopetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, chi cho các đồng chí lãnh đạo vào dịp Tết...
Ngoài ra, bị cáo Sơn còn khai chi cho nguyên kế toán trưởng của PVN lúc đó là ông Ninh Văn Quỳnh để cảm ơn đã giúp đỡ OceanBank trong đối nội đối ngoại. Số tiền đưa cho nguyên kế toán trưởng của Tập đoàn là bao nhiêu, bị cáo Sơn nhớ không chính xác, khi thì 30-40 tỷ đồng, lúc Sơn lại khai là 20-30 tỷ đồng.
Đối chất với lời khai của Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Xuân Thắng về việc chi tiền từ giai đoạn 2009-2014, ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN cho biết không hề nhận tiền từ Thắng và Sơn.
[Xét xử vụ OceanBank: "Đẩy" trách nhiệm trong khoản vay 500 tỷ đồng]
Trình bày tại tòa, ông Quỳnh cho biết giữa OceanBank và Tập đoàn có hợp tác thỏa thuận trong hợp tác tín dụng tiền gửi. Thời điểm gửi tiền của Tập đoàn PVN tại Oceanbank có thời điểm lên tới 25.000 tỷ đồng.
Trả lời việc chi tiền chăm sóc khách hàng, ông Quỳnh cho biết hành vi nhận tiền là vi phạm pháp luật, là tham ô, Tập đoàn luôn quán triệt không bao giờ được nhận tiền. Sau khi một công ty con của Tập đoàn dính vào vụ Huỳnh Thị Huyền Như, PVN đã có công văn nhắc nhở cán bộ và nhân viên trong Tập đoàn không được nhận lãi suất ngoài.
Về vấn đề này, bị cáo Sơn khai có đưa tiền cho ông Quỳnh. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử hỏi đưa tổng cộng bao nhiêu tiền cho ông Quỳnh, Sơn nói không nhớ do không có sổ sách ghi chép.
Ngày mai (31/8), Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn các bị cáo./.