Đại biểu Quốc hội: Cần kiểm soát việc đầu cơ, thổi giá trong bất động sản

Các đại biểu Quốc hội cho rằng thị trường bất động sản đang có những điểm bất bình thường, tính đầu cơ trong thị trường bất động sản khá lớn, đẩy giá bất động sản lên cao so với giá trị thực tế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày Tờ trình. (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng đối với giá nhà đất hiện nay, trong thời gian tới đây những thể chế phải được hoàn thiện để kiểm soát việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Xây dựng khung giá đất mới để phù hợp với thực tiễn

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết qua 3 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và của cả nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiên tai, kết hợp với các tác động tiêu cực từ tình hình biến động kinh tế, chính trị thế giới, dẫn đến việc phát triển các ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn nên việc chuyển dịch đất đai để thực hiện các dự án phát triển một số ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu; việc chuẩn bị đầu tư và bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch còn hạn chế.

Việc thực hiện chỉ tiêu sử dụng một số loại đất có sự không đồng đều giữa các địa phương, mặc dù đã được phân bố điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, điều này cũng đã ảnh hưởng tới kết quả phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về dự kiến các nội dung điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu bao gồm: Điều chỉnh 08 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Bên lề Quốc hội, trả lời báo chí về việc Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố khung giá đất tiệm cận với giá thị trường, Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã phê bình một số địa phương chậm thực hiện Luật Đất đai mới có giá trị hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 nên các địa phương đã thực hiện rà soát xem xét để có thể điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn và nó vừa giải quyết được đa mục tiêu.

Theo ông Ngân, khung giá đất mới đánh giá đúng tình hình thực trạng giá trị của Luật đất đai hiện nay. Bên cạnh đó khung giá này sẽ giải quyết được một số dự án đầu tư công hiện nay đang bị đóng băng, lý do là không đền bù được, không thu hồi được, người dân không đồng ý với giá thu hồi theo bảng giá đất. Bây giờ có bảng giá đất mới sẽ có đủ cơ sở để triển khai về công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư.

Như vậy, sẽ kịp thời giúp cho việc bồi thường, công tác thu hồi đất cho người dân và từ đó giúp công tác bồi thường nhanh hơn. Đấy là ý nghĩa về mặt giá trị phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, trước đây khi mà giá không phù hợp với thực tiễn cho việc bồi thường dẫn đến có thể phải dùng nhiều hình thức, đa dạng... dẫn đến không minh bạch. Chúng ta phải làm cho minh bạch rõ ràng, giúp cho công tác thu hồi đất phù hợp hơn.

Cũng theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, giá nhà đất tăng thì giá trị tài sản của người dân cũng tăng lên, khi chuyển nhượng hay là Nhà nước thu hồi đất thì cũng sẽ tương thích với thực tiễn. Vấn đề là chúng ta bám sát yêu cầu là nó phải phản ảnh đúng thực tiễn.

Cần kiểm soát việc đầu cơ trong bất động sản

Đại biểu Trần Hoàng Ngân thừa nhận hiện giá nhà và đất lên quá cao, sẽ ảnh hưởng đến những người dân lao động không thể mua được nhà để ở.

Với tình hình hiện nay, đối với những người công nhân lao động, người nghèo sẽ không bao giờ mua được nhà. Vấn đề là chúng ta phải lo làm sao đưa được nhà lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên, xây thêm nhà ở xã hội, những cái đó phải tập trung nhiều hơn và hình thức cho thuê là cách thức quan trọng nhất đối với người dân hiện nay.

“Chúng ta cũng thấy rằng toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện đang thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát và được cộng đồng hưởng ứng rất nhiều. Đối với giá nhà đất hiện nay, trong thời gian tới đây những thể chế phải được hoàn thiện để kiểm soát việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản,”ông Ngân nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV cũng cho rằng thị trường bất động sản đang có những điểm bất bình thường, tính đầu cơ trong thị trường bất động sản khá lớn, đẩy giá bất động sản lên cao so với giá trị thực tế.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Vietnam+)

“Hiện có nhiều mục tiêu quản lý thị trường bất động sản nhưng theo tôi nên phải đặt mục tiêu giảm động cơ, đầu cơ, thao túng giá, thổi giá. Đấy là một trong những nội dung đặt ra để quản lý được thị trường bất động sản nhằm đưa thị trường này hoạt động một cách bình thường. Chúng ta cũng phải điều tiết thị trường bất động sản từ đất đai, nhà ở, các công trình bất động sản để đưa các tài sản này đến đúng địa chỉ có khả năng khai thác, sử dụng chứ không phải trở thành một công cụ phục vụ cho mục tiêu đầu cơ không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế,” ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm cho biết thêm hiện Quốc hội đang giám sát vấn đề thị trường bất động sản cũng như nhà ở xã hội, tới đây sẽ có đánh giá một cách tổng quát về tình hình phát triển của thị trường bất động sản cũng như việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể các giải pháp một cách độc lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy việc xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên hiện nay vấn đề này chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia vào xây dựng lĩnh vực này cho người lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục