Đại biểu Quốc hội: Cần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật

Chất lượng công tác lập pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, do đó các đại biểu Quốc hội cho rằng cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật thời gian tới.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật. (Ảnh minh hoạ: Văn Điệp/TTXVN)

Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết.

Đặc biệt, có những đạo luật được Quốc hội thông qua đã giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật. Nhiều luật, chính sách mới lần đầu tiên được Quốc hội ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế của hoạt động lập pháp trong nhiệm kỳ qua. Theo các đại biểu đánh giá, một số báo cáo thẩm tra luật còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc đại biểu Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hồ sơ đầy đủ trong quá trình xây dựng pháp luật, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng khi trình luật phải kèm theo các văn bản hướng dẫn luật vào hồ sơ luật để lấy ý kiến của đại biểu vì các quy định này liên quan chặt chẽ với nhau. Điều này còn giúp luật ra thi hành được ngay, tránh tình trạng chậm thực hiện ban hành văn bản hướng dẫn.

Theo đánh giá của Quốc hội, một số chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình xây dựng phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động...

[Kỳ họp thứ 11: Tiếp nhận gần 2.300 ý kiến, kiến nghị cử tri, nhân dân]

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng công tác làm luật tốt thì giá của nó trong thực tế rất lớn. Tuy nhiên, nếu không coi trọng nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật thì rất có thể chính sách pháp luật sẽ cản trở sự phát triển. Do đó, cần đầu tư con người, nguồn lực cho xây dựng pháp luật. Hiện nay, nhiều Bộ, ngành chưa thực sự chọn người đủ năng lực để làm luật.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Khi dự họp xây dựng luật tôi thấy nhiều chuyên viên trẻ. Trong khi xây dựng luật là chắt lọc kinh nghiệm, những gì xảy ra trong cuộc sống để đưa vào luật, người quá trẻ khó để có thể chắt lọc được. Không chỉ có vấn đề về nguồn lực mà kinh phí làm luật cũng còn rất hạn chế,” Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng chất lượng làm luật chưa bảo đảm, có những dự thảo luật từ dự thảo lần 1 đến lần cuối không có thay đổi bao nhiêu. Ngoài ra, những dự án luật “khó” nếu chúng ta bỏ qua điều đó là “mắc nợ” dân.

Báo cáo của Quốc hội cũng đã chỉ ra rằng một số cơ quan, tổ chức, cá nhân khi xây dựng luật chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng dẫn chứng một trong những bất cập của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ vừa qua là việc dự thảo gửi quá gấp, nghiên cứu không được bao nhiêu nên sự góp ý rất vội vàng. Một số cơ quan, bộ ngành chưa đầu tư đúng mức cho nhiệm vụ xây dựng chính sách, thể chế, chưa tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bối cảnh đất nước đang trong quá trình phát triển, tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, khó đoán định đã dẫn đến việc chưa dự liệu đầy đủ, toàn diện khi xây dựng dự thảo. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng dự thảo luật nếu không có cơ chế phù hợp để thu hút hiệu quả ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách…  thì các chính sách pháp luật sẽ không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần đánh giá lại công tác làm luật. Chất lượng xây dựng luật pháp được câng cao hơn, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo, chỉ như thế thì mới tạo yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục