Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội trong phiên buổi sáng 21/7, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng Quốc hội cần thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng hơn việc đưa chuyên đề về việc "thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành" vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Thanh Hoàn, Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, có hiệu lực từ năm 2019. Riêng các quy hoạch về lập, thẩm định các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ tháng 3/2018. Đây là đạo luật quan trọng, là bước đột phá trong công tác quy hoạch và là giải pháp quan trọng cho việc phân bổ nguồn lực, cải cách hiệu quả thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng lưu ý rằng sau hơn 3 năm triển khai, thi hành Luật Quy hoạch, tiến độ lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng, quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo thì các quy hoạch đến năm 2020 đã hết hiệu lực, trong khi các quy hoạch mới chưa được phê duyệt gây khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch cũng như việc triển khai các quy hoạch phát triển.
[Bộ NN&PTNT chưa tán thành một số điểm về Quy hoạch phân khu sông Hồng]
“Việc chậm trễ triển khai Luật Quy hoạch trên thực tế là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, việc đưa nội dung này vào giám sát chuyên đề năm 2022 đã thực sự hợp lý hay chưa thì cũng cần Quốc hội thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng hơn,” đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng cho hay ngay sau khi ban hành Luật Quy hoạch, đã có rất nhiều luật liên quan đã phải sửa đổi, bổ sung. Ngay như năm 2018, Quốc hội cũng đã thông qua 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung 48 Luật có liên quan tới Luật Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ Luật Quy hoạch. Tiếp đó, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 5751 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
"Những thay đổi trên cho thấy sự phức tạp, khó khăn trong việc triển khai thực hiện," đại biểu biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Mặt khác, theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, đến tháng 10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, quỹ thời gian để các cơ quan triển khai sau khi Chính phủ phê duyệt quy trình lập quy hoạch không nhiều.
“Cùng với việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt là đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan trung ương cũng như các bộ, ngành địa phương vừa phải tập trung đối phó với dịch COVID-19 vừa phải tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch,” đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.
Dẫn lại tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho biết trong số 127 đề xuất thuộc 10 nhóm giám sát thì chủ yếu là giám sát về quản lý quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sử dụng thủy điện và năng lượng tái tạo.
Do vậy, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng vào thời điểm này, nếu Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này thì song song với đó đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung quyết liệt chỉ đạo và triển khai nghiêm túc Luật Quy hoạch, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thư 2 Quốc hội khóa XV tới. Cùng với đó, Chính phủ cần cam kết thời điểm trình Quốc hội các quy hoạch cấp quốc gia.
Góp thêm ý kiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng trị Hoàng Đức Thắng cho hay trong những năm qua, hoạt động giám sát không ngừng được đổi mới, phán ảnh tâm tư nguyên vọng của nhân dân. Việc xây dựng chuyên đề giám sát được xây dựng hàng năm, trên cơ sở đó Quốc hội sẽ chọn chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, cách làm này chỉ chọn ra những vấn đề ngắn hạn mà chưa bao quát.
Vì thế, đại biểu Hoàng Đức Thắng kiến nghị cần thực hiện việc xây dựng chuyên đề giám sát ngay trong năm đầu nhiệm kỳ thực hiện đề án hoat động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, hàng năm Quốc hội sẽ lựa chọn nội dung cụ thể cũng như bổ sung nội dung 1 cách phù hợp nhất.
Cho rằng việc việc lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang nhấn mạnh hiện nay hạ tầng giao thông ở vùng này còn rất nhiều vấn đề đáng được quan tâm, nhất là việc kết nối vùng Đông Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh công nghiệp chế biến gắn với thị trường tiêu thụ, là động lực giúp cho các tỉnh trong vùng bớt khó khăn.
Đặc biệt, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì thế, để giúp các tỉnh trong vùng nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Quốc hội cần triển khai các giải pháp triển khai chuyên đề giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch ngay trong năm 2022./.
Theo tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể, chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; chuyên đề 2 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; chuyên đề 3 về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021; chuyên đề 4 về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. |