Cơ bản hài lòng với phần trả lời chất vấn, các Bộ trưởng đã nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục để tạo ra một sự chuyển biến thuyết phục trong thời gian tới.
Đánh giá này được nhiều đại biểu đưa ra bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 6/6 - phiên cuối cùng của hoạt động này tại nghị trường.
Qua hai ngày rưỡi chất vấn 4 Bộ trưởng và mỗi Bộ trưởng hai câu hỏi, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) hài lòng với nội dung trả lời của các Bộ trưởng. Tuy nhiên, phần trả lời của các Bộ trưởng đối với một số ý kiến của những đại biểu khác, theo đại biểu Phạm Văn Hòa còn chưa đúng trọng tâm.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, hoạt động chất vấn là kiểm tra năng lực của các "tư lệnh ngành" trong nắm bắt, quản lý lĩnh vực được phân công và đưa ra các giải pháp để xử lý, giải quyết những vấn đề nóng mà đại biểu nêu. Nhưng việc thực các cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo ra chuyển biến đúng như cam kết của các Bộ trưởng mới là việc đại biểu, cử tri quan tâm, mong đợi, đại biểu nhấn mạnh.
[Quốc hội kết thúc chất vấn, trả lời chất vấn thành viên Chính phủ]
"Đề ra các giải pháp như vậy, đại biểu và cử tri hài lòng nhưng làm có đúng như vậy không, thực thi nhiệm vụ có đúng như vậy không là vô cùng quan trọng, đòi hòi tâm huyết, trách nhiệm, cái tâm, cái tầm của cán bộ thực thi nhiệm vụ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, các ngành, của cả hệ thống chính trị," đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.
Đề cập đến điểm mới tại phiên chất vấn tại kỳ họp này là những đại biểu không tham gia phát biểu thì không tranh luận, đại biểu cho rằng điều này đã tạo thuận lợi về thời gian cho những đại biểu có sự chuẩn bị chu đáo phần chất vấn, tranh luận.
Đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, chủ động, đúng quy định, khoa học và hợp lý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận sự điều hành đó đã đóng góp vào thành công chung của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Qua đó, cử tri và người dân cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.
"Sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã để lại ấn tượng đối với tôi trong kỳ họp này," đại biểu Phạm Văn Hoà đánh giá.
Bày tỏ hài lòng với phần trả lời chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết ông tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hiện nay phần phát triển văn hóa không chỉ là câu chuyện nội tại của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà phải là có sự chung tay, có sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ và liên kết của nhiều ngành.
Bản thân mỗi người trước hết phải tự xây dựng cho mình một phông văn hóa để trong môi trường, điều kiện phát triển thuận lợi, tự mỗi người càng củng cố và thể hiện nét văn hóa.
Theo đại biểu, có những ý kiến cho rằng các Bộ trưởng trả lời một số vấn đề còn chung chung, đây là điều có thể hiểu được. Bởi các vấn đề đại biểu nêu ra liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, trong đó có những bất cập hiện nay mà Bộ trưởng không phụ trách. Ví dụ du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp nên không thể chỉ tư lệnh ngành này có thể trả lời rõ ràng vấn đề đại biểu nêu.
"Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp này, tôi sẽ có nhiều chuyện để về báo cáo lại với cử tri ở địa phương Bạc Liêu của mình," đại biểu Nguyễn Huy Thái chia sẻ.
Nhận xét những vấn đề của xã hội đã được các đại biểu Quốc hội mang tới làm "nóng" nghị trường hai ngày rưỡi qua, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng các Bộ trưởng trả lời khá rõ ràng, tuy nhiên, vẫn chưa thỏa mãn hết các ý kiến chất vấn của đại biểu bởi nguyện vọng cử tri rất nhiều.
"Phần trả lời của một số Bộ trưởng vẫn nghiêng về báo cáo kết quả mình đã làm được hơn là các giải pháp mang tính thực tiễn trong thời gian tới. Để có sự chuẩn bị tốt hơn nữa, tôi mong rằng kỳ họp Quốc hội lần tới, các Bộ trưởng cần chuẩn bị kỹ hơn, nắm sát hơn tình hình cử tri quan tâm,” đại biểu Tô Thị Bích Châu nhận xét./.