Giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nợ xấu… là những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đặc biệt, đây là những câu chuyện còn nhiều bất cập ở các địa phương.
Bên lề nghị trường, các Đại biểu Quốc hội đã chia sẻ về những vấn đề này.
- Thưa đại biểu, về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, hiện nay Chính phủ đã rất nỗ lực, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này thế nào và thực tế ở Bình Thuận ra sao?
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bình Thuận: Về phần chung của cả nước, theo đánh giá của Chính phủ thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công khá tốt với trên 60%.
[Đại biểu Quốc hội cảnh báo về bẫy tín dụng đen công nghệ]
Riêng Bình Thuận cũng có rất nhiều nỗ lực trong giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm, những dự án bức xúc cũng đang được tập trung đẩy mạnh.
Tuy nhiên, do vướng về nguồn vốn, vướng mắc thủ tục, và công tác đền bù nên một số dự án vẫn chưa triển khai được.
Clip trả lời của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh:
Ví dụ, vấn đề sân bay, do kẹt vốn đầu tư, một phần từ Bộ Quốc phòng, một phần từ quân sự chưa được giải quyết nên hiện dự án này chưa triển khai. Hay như một dự án hồ ở Bình Thuận mới được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019, năm nay mới tiến hành khâu tư vấn, vì thế không thể giải ngân được.
Hoặc một số công trình thủy lợi, tuyến đường liên huyện là những công trình rất trọng yếu của tỉnh, do vướng về đền bù giải tỏa nên tiến độ cũng chậm. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ những khó khăn này để tạo điều kiện cho các công trình tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
- Đại biểu đánh giá thế nào về vấn đề xử lý nợ xấu cũng như công tác giám sát nợ xấu ở địa phương? Ông có đề xuất gì để hoạt động này hiệu quả hơn?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 02 của Quốc hội liên quan đến xử lý nợ xấu, chúng ta cũng đã giảm được một tỷ lệ nợ xấu đáng kể trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cho đến giờ phút này, đánh giá sau 3 năm, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã giảm còn 1,8% tổng dư nợ. Như vậy chúng ta đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, trên thực tế, qua giám sát ở các địa phương, chúng tôi thấy công tác xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chủ yếu trong khâu thi hành án dân sự để thu hồi các tài sản bảo đảm có liên quan tới nợ của khách hàng, các tổ chức tín dụng.
Câu chuyện liên quan tới nhận thức của một số cơ quan cấp bộ, ngành ở địa phương đối với vấn đề xử lý nợ xấu còn chưa đồng bộ và thiếu toàn diện. Nhiều tổ chức, cơ quan vẫn cho rằng đây là trách nhiệm của ngành ngân hàng, dẫn đến trong quá trình tổ chức việc thu hồi các tài sản bảo đảm, nhiều chính quyền địa phương cấp cơ sở và đặc biệt là cấp phường, xã chưa quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi tài sản.
Đội ngũ công an ở cấp cơ sở cũng chỉ lo việc giữ an ninh trật tự, đảm bảo không xảy ra tranh chấp, nhưng khi cần những phương án mạnh hơn. Ví dụ như khi cưỡng chế các khách hàng phải thu hồi tài sản mà người ta chống đối, thì hiện các cơ quan còn đang cho rằng đây không phải là việc của họ. Đó chính là một trong những vướng mắc, khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả của xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 02.
Clip ý kiến của đại biểu Bùi Thanh Tùng:
Tôi cho rằng thời gian tới đây, Chính phủ cần có những văn bản chỉ đạo rõ ràng, cụ thể hơn cho hệ thống chính quyền cấp cơ sở, để họ phải thực sự chung tay với hệ thống các tổ chức tín dụng trong thu hồi nợ xấu và đặc biệt trong khâu thu hồi các tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, trong chính sách thuế của chúng ta hiện nay cũng có bất cập. Trong Nghị quyết 42 quy định ưu tiên trả những món nợ xấu trước rồi mới thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng thực sự do các địa phương phải chạy theo áp lực về thu ngân sách nên nhiều địa phương vẫn chỉ đạo các cơ quan thuế vẫn phải thu thuế trước rồi mới trả nợ cho các tổ chức tín dụng. Việc này cũng làm cho công tác thu hồi nợ xấu của chúng ta gặp khó khăn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: “Giải ngân đầu tư công làm tốt hơn so với mọi năm. Với những kết quả đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được thế giới dự báo là 1,8%, IMF dự báo 1,6%, còn WB dự báo Việt Nam tăng trưởng xấu nhất 1,5% và tốt nhất 2,8%. Chính phủ định hướng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2,5-3%.” Việt Nam từ năm 2014-2019 là giai đoạn ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát kiểm soát dưới 4%, cán cân thương mại liên tục xuất siêu. Thời gian này nền kinh tế đất nước tăng trưởng cao, từ 6,2% năm 2016, 6,8% năm 2017, 7,08% năm 2018 và 7,02% năm 2019… Đà tăng trưởng bình quân 6,8%, phù hợp với kế hoạch năm 2020. Đại dịch COVID-19 đã làm hơn 1,2 triệu người chết, suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng, trong khi thế giới hầu hết tăng trưởng âm thì ba quốc gia là Brunei, Malaysia và Việt Nam của khu vực ASEAN tăng trưởng dương. Năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng dương với mục tiêu là giải quyết được việc làm cho người dân. 10 tháng gần đây, kết quả tăng trưởng kinh tế khá tích cực: quý I tăng 3,66%, quý II còn 0,39%, quý III là 2,62%. 9 tháng năm 2020 tăng trung bình 2,12%. Lạm phát kiểm soát dưới 4%. Thế giới đánh giá Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng kinh tế. Thế giới cũng đánh giá xuất khẩu các nước giảm tổng cầu rất lớn, thương mại thế giới toàn cầu giảm 10-20% nhưng Việt Nam riêng quý 3 tăng 11%. Kết quả này giúp chúng ta được xem là quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới (trong 4 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu tăng trưởng dương: Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc). Đây là sự nỗ lực có điểm tận dụng được thời cơ hội nhập quốc tế, tận dụng lợi thế 13 FTA đã ký kết, đặc biệt là 2 hiệp định thương mại thế hệ mới với châu Âu, Thái Bình Dương. |